Đường ở miệt thứ đẹp lắm. Lộ nhỏ mà xanh rì và mát vô cùng. Tôi thích thú với những đoạn hai hàng cây bên đổ ra giữa đường, đan vào nhau tạo thành bóng mát. Bưng biền là đây, bông điên điển nấu canh chua ngọt dịu là từ cái đất này. Đồ đồng ăn ngon, rau dại ê hề, cá tôm búng lách tách dưới ruộng, dưới mương, người dân chân chất có sao nói vậy. Đi thử một lần, rồi muốn tới hoài...
Xe dừng trước một quán cafe võng quen thuộc của cái xứ miệt thứ này.
Mẹ con tôi thong dong chọn một góc khuất, dắt xe vô, kêu hai chai nước rồi ngã lưng xuống võng. Thằng nhóc thiệt hay. Đi riết rồi thành quen, kêu ngủ là ngủ để lấy sức, cho dù đó là cái võng hay manh chiếu nhỏ, cứ ngã lưng là nó ngủ, rồi đánh thức là dậy ngay để tiếp tục hành trình. Mang tiếng ngủ vậy thôi, chứ tôi cũng chỉ chợp mắt chập chờn khoảng mười lăm phút để đầu óc tỉnh táo có sức mà chạy xe giữa cái nắng gay gắt của xứ miền Tây này. Sông đó, nước đó, nhưng mà nắng thì cũng không hề dễ chịu. Với cả không dám ngủ lâu, phải tỉnh tỉnh để coi xe, dù gì cũng xe thuê mà. Hơn nữa, dù ba lô đã lấy người đè lên mà ngủ, nhưng chẳng có gì đảm bảo được sự an toàn của nó hết.
Tôi dậy sớm ngó chừng đồ, và cũng thấy nhiều thứ thật hay.
Những cái quán như thế này thường có sân vườn rộng thênh thang, nhưng đồ đạc thì thô sơ tạm bợ. Mấy cái võng cáu bẩn ngả màu. Quạt máy hiếm khi có. Được cái may hưởng gió của vườn cây, của dòng sông hay con rạch gần đó mà cũng dịu đi cái oi ả vốn có của trưa nắng. Mấy cây bàng, cây ô môi, mấy chậu sao nhái nhìn xác xơ như không có bàn tay chăm sóc lâu năm.
Ở đây tôi cũng gặp được nhiều người…
Đó là cô bé phụ bưng nước của quán. Em mười sáu tuổi. Cái tuổi lẽ ra còn đang hồn nhiên mặc áo dài tới lớp thì em ở đây bưng bê. Không phải do nhà nghèo, hết tiền học, mà “Em học hết vô rồi.” Nghe thấy không có gì thuyết phục được em lại tới lớp lần nữa. Em mải miết cắm mắt vào cái điện thoại. Em hồ hởi khoe làm có lương em đổi điện thoại, mua hột xoàng. Mà rồi biết đâu em lại lấy chồng nữa ha. Đó có thể là một người khách nào đó buông lời tán tỉnh khi đến quán. Em có thể có được hạnh phúc bình dị khi bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để kiếm tiền nuôi con. Hay bất hạnh hơn là người ta quất ngựa truy phong, em lại bỏ xứ mà đi. Em làm công nhân, hay lại trải thanh xuân ở những nơi quán xá xập xình. Có khi lại là một kịch bản khác, em bước chân với cuộc hôn nhân “khác quốc tịch” mà không biết trước số phận mình sẽ đi đâu, về đâu. Thông tin trên báo thì nhiều, nhưng làm gì tới nổi được đất miệt thứ này.
Tôi gặp một gia đình nhỏ với hai vợ chồng và một đứa con trai. Hình ảnh dễ thấy của đất Việt: chị vợ lo chăm con, anh chồng nằm võng bấm điện thoại. Lát sau con ngủ, anh chồng cũng ngủ, chị vợ mới nói chuyện với tôi. Gọi “chị”, mà tới lúc hỏi tuổi, mới biết “chỉ” nhỏ hơn tôi tới ba tuổi. Lấy chồng sớm, con trai gần bằng tuổi Go luôn. Nhìn đúng chất con gái miền Tây, giọng ngọt như mía lùi, vàng vòng đeo đỏ cả người. Thân hình phốp pháp, mắt đã nhiều chân chim, nám đã lên ở hai gò má. chỉ nói: “Có con rồi, lo cho chồng cho con chứ làm đẹp làm gì nữa.” Hỏi dự định của chỉ, thì trả lời: “Năm sau em đẻ đứa nữa chị ơi.” Ừ thì cho con có em, cho gia đình có nếp có tẻ. Thân hình rồi lại xồ xề hơn, da dẻ sẽ càng tệ hơn, suốt ngày cun cút ở nhà với con, rồi đâm ra cáu gắt với nhau, chồng có bồ nhí, chị lại đi đánh ghen, rồi kéo chồng về và dằn vặt nhau, chứ làm gì dám chia tay chồng như gái thành thị. Nghĩ miên man mà anh chồng dậy hồi nào, chỉ lại lủi thủi kêu con dậy, cho nó uống nước rồi lại đèo bòng nhau tiếp tục lên đường.
Có dịp dừng chân ở một hang đá vôi tại khu vực Kiên Giang, tôi lại thấy một cảnh đời khác. Hai vợ chồng già gá nghĩa với nhau ở tuổi muộn màng, chờ chực mãi sinh ra được cô con gái rất xinh. Tôi nhớ đâu lúc gặp, con bé cỡ chừng 15 tháng. Nhà là cái chòi ghép ván, mái lá, doi ra ở bờ rạch, con bé được quây trong một cái cũi, có giăng mùng tránh muỗi, có bỏ ít đồ chơi linh tinh trong đó. Căn phòng của cô bé (tạm gọi là phòng) hướng ra dãy cầu cá cho khách ghé thăm sử dụng khi có nhu cầu, hứng trọn khí và mùi xú uế. Tôi nằm nghỉ 2 tiếng, rồi vào thăm động, mà cũng không thấy ai tới thêm. Anh chồng dẫn đi tham quan xong xin bồi dưỡng, tôi được năm chục. Thấy mà thương. Lúc đó tự dưng tôi cũng đặt ra câu hỏi: “Rồi đời cô bé sẽ đi về đâu?”
Có người may mắn hơn. Tôi có cô em dâu bà con từ nhỏ tới lớn chỉ gắn với ngôi nhà và xóm nhỏ của mình. Cô bé dễ thương, làm nghề thợ may. Em họ tôi vô tình biết em ở đó mà cầu hôn và rước em về Sài Gòn. Em họ tôi vốn là công nhân, nên cuộc sống cũng không thoáng và cởi mở như tôi. Cô em dâu về nhà chồng lại ở nhà, dọn dẹp, cơm bưng nước rót và tiếp tục may đồ. Thỉnh thoảng có đám cưới bạn bè chồng thì chồng dẫn đi. Cuộc sống của em vốn quẩn quanhngôi nhà và xóm nhỏ ở xứ miền Tây thì nay được thay đổi gói gọn bốn bức tường của đất Sài thành.
Và còn nhiều con người khác tôi được gặp lắm...
Miệt thứ là cái tên chung chỉ vùng đất thuộc địa bàn các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận và U Minh Thượng (Kiên Giang) nằm cặp sông Cái Lớn, chạy ra vịnh Rạch Giá rồi quặt trái xuống tới huyện U Minh (Cà Mau). Người ta gọi cái tên bằng “thứ” cho dễ nhớ, dễ hình dung. Đánh số lần lượt thứ hai, thứ ba… cho tới thứ mười một. Hồi xưa nói đến “miệt thứ”, người ta hình dung ngay một nơi xa xôi, hoang vu, bất trắc như lời cô gái đi lấy chồng xa trong bài hát Em về miệt thứ buồn hiu hắt. Giờ thì miệt thứ không xa xôi như ngày xưa nữa. Gần hơn, dễ đi hơn nhiều. Nhưng mà cảnh đời miệt thứ và “miệt không thứ” như tôi đang ở thì khác xa nhau nhiều lắm.
Có lần đi ngang khu đất của người Khmer, thấy đám cưới của họ có tập tục treo lá cờ thiệt cao. Cờ bay phần phật trong gió nhìn kiêu hãnh và đẹp lắm. Tôi tự hỏi không biết được bao nhiêu cuộc hôn nhân ở đất này được thật sự viên mãn như lá cờ trong ngày cưới đó.
Đời người miệt thứ, nhất là con gái, tôi thấy nó cứ ngoằn ngoèo, quanh co như những khúc quanh của dòng sông, con rạch ở đó. Có điều, chảy hoài, cả đời có khi không thấy ra được biển lớn. Thương!
----------
Tên bài viết: Chữ "dzìa" được nói theo giọng phát âm của người miền Tây, có nghĩa là "về". Trong bài viết, tôi cũng dùng nhiều từ ngữ mang sắc thái địa phương.
Hình ảnh: Tôi chụp nhân một chuyến đi, mà giờ không nhớ nổi là chụp ở đất nào. Man mán nhớ hình như là Tắc Cậu.
No comments:
Post a Comment