Sống xanh thiệt xanh



Từ lâu tôi đã hạn chế dùng bao nilon và các sản phẩm từ nhựa, chủ yếu vì tính không an toàn từ những loại chất liệu đó. Nhưng tôi vẫn thường hay mê mẩn với trà sữa và các loại thức uống take away với ly nhựa rất tiện lợi mà quên mất những tác hại lâu dài về sau.

Một lần trên đường đưa con đi học, ngang qua cô bán các loại sữa hạt thấy một túi rất to chai nhựa để đựng sữa mang đi. Lúc quay về, túi đã vơi gần cạn. Lòng mình bỗng hốt hoảng thật sự. Một xe sữa bé tí teo đã tiêu thụ chừng đó chai nhựa. Vậy 100 xe, 100 cửa hàng trà sữa thì sao? Mà người tiêu dùng xứ mình có được mấy người làm động tác phân loại rác thải, tất cả chỉ đồng nhất một chữ “rác" và cho thẳng vào thùng rác. Thêm vào đó, càng ngày tôi càng đọc nhiều hơn, thấy nhiều hơn những tác động của những sản phẩm nhựa, những loại bao bì dùng một lần tới môi trường tự nhiên, nơi mà chúng ta đang sinh sống và làm việc.

Từ đó, tôi quyết tâm thực hiện việc sống xanh, hay còn gọi là lối sống “Zero waste" (không rác thải).

-----

Vậy “zero waste" là gì? 

Đó không phải là việc không xả rác bừa bãi, phải bỏ rác đúng quy định như mọi người vẫn nghĩ.

Theo định nghĩa của Wikipedia:

Zero Waste là một triết lý khuyến khích việc thiết kế lại vòng đời của tài nguyên, để tất cả các sản phẩm được tái sử dụng. Mục đích là để không đưa rác thải đến bãi rác hoặc lò đốt. Quá trình được đề xuất giống với cách mà các tài nguyên được tái sử dụng trong tự nhiên. Liên minh quốc tế Không rác thải định nghĩa Zero Waste là:
  • Zero Waste là một mục tiêu mang tính đạo đức, kinh tế, hiệu quả và có tầm nhìn xa để hướng dẫn mọi người thay đổi lối sống và thực hành để mô phỏng chu kỳ tự nhiên bền vững, nơi tất cả những vật liệu phế thải được thiết kế để trở thành tài nguyên cho người khác sử dụng.
  • Zero Waste có nghĩa là thiết kế và quản lý các sản phẩm và quy trình để tránh và loại bỏ một cách có hệ thống những độc tính của chất thải và nguyên vật liệu, bảo tồn và phục hồi các nguồn tài nguyên, không đốt và chôn chúng.
  • Thực hiện Zero Waste sẽ loại bỏ tất cả các chất thải ra đất, nước hoặc không khí là mối đe dọa đối với hành tinh, sức khỏe con người, động hoặc thực vật.
  • Zero Waste đề cập đến các cách tiếp cận quản lý chất thải và lên kế hoạch, trong đó nhấn mạnh việc ngăn ngừa chất thải thay vì phải quản lý chất thải ở bước cuối cùng. Đó là cách tiếp cận toàn hệ thống nhằm mục đích tạo ra sự thay đổi trong việc các nguyên vật liệu được đưa qua cộng đồng, đưa đến việc không có chất thải. Zero Waste bao gồm nhiều hơn việc loại bỏ chất thải thông qua việc tái chế và tái sử dụng, nó tập trung vào việc tái cấu trúc hệ thống sản xuất và phân phối để giảm rác thải. Zero Waste có ý nghĩa nhiều hơn mục tiêu hoặc lý tưởng hơn là một mục tiêu khó khăn. Zero Waste cung cấp các nguyên tắc hướng dẫn liên tục để cắt bỏ chất thải.
  • Những người ủng hộ mong đợi có các quy định cần thiết của Chính phủ để tác đến sự lựa chọn công nghiệp với các thiết kế sản phẩm và bao bì, quy trình sản xuất và lựa chọn nguyên liệu.
  • Những người ủng hộ nói rằng loại bỏ chất thải giúp loại bỏ ô nhiễm, và cũng có thể giảm chi phí nhờ vào việc giảm nhu cầu về nguyên liệu thô.
Đó là những điều cơ bản nhất về lối sống Zero Waste.

-----

Tôi làm gì để thực hiện nếp sống này?

Trước hết, phải thật sự nghiêm khắc với bản thân và gạt bỏ qua những mắc cỡ, e ngại vì mình đang đi ngược lại với đám đông của xã hội.

Xin chia sẻ những bước tôi đã và đang thực hiện để thực hiện lối sống Zero Waste này:

1. Từ chối những sản phẩm nhựa dùng một lần:

Những thứ này bao gồm: túi nilon, ống hút nhựa, hộp xốp đựng thức ăn hay các loại ly take away từ các quán trà sữa, café… Nếu một lần ngồi quan sát, bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy một phụ nữ đi chợ, ngoài chiếc giỏ đi chợ mang theo, họ sẽ có một món đồ được bỏ vào một túi nilon, nhiều món đồ sẽ trong nhiều túi, tất cả bỏ vào chiếc giỏ đi chợ, hoặc có người sẽ bỏ tất cả vào một túi nilon lớn hơn. Như vậy, vai trò của chiếc túi nilon đựng sản phẩm hoàn toàn là dư thừa. Ấy vậy mà người mua vẫn lấy, và người bán thậm chí rất hào phóng để cho thêm những chiếc túi nilon này. Tương tự, ống hút nhựa sẵn tay cho vào ly rất nhiều, và cả những loại ly nhựa cũng thế.

Khi đọc bài, nhìn hình ảnh những động vật ở biển vùng vẫy trong đám túi nilon, hay bị những chiếc ống hút đâm qua mũi, và cả chú cá voi chết vì rất nhiều túi nilon trong cơ thể, tôi rùng mình. Con người mình mà bị như thế, cũng đau đớn không kém mà.

2. Mang theo các loại túi xách, hộp đựng, các sản phẩm thay thế:

Hiện nay có rất nhiều món đồ hoàn toàn có thể thay thế được vật dụng bằng nhựa, chỉ cần lưu tâm một chút là ai cũng có thể áp dụng được.

Cụ thể một số thứ nhé:
  • Ống hút: Hiện nay trên thị trường đã có ống hút với các chất liệu thân quen như tre, inox, thủy tinh hay bằng cọng cỏ. Tất cả đều tái chế được và thời gian sử dụng rất lâu. Tôi thì hoàn toàn không cần ống hút, nên cũng không lưu tâm đến vấn đề thay thế này.
  • Mang túi vải khi đi mua sắm: Luôn đặt sẵn một chiếc túi vải trong túi xách/ba lô của mình để phòng khi cần. Mua sách, thức ăn, mỹ phẩm… tôi tự tin từ chối chiếc túi nilon họ “hào phóng” tặng cho, để lôi từ trong túi mình ra chiếc túi vải đựng tất cả mọi thứ, trước ánh mắt hoài nghi pha lẫn khó chịu của những người xung quanh. Nhà tôi có rất nhiều túi vải như thế.
  • Hộp đựng thức ăn: Đi mua thức ăn nên mang theo đồ đựng riêng. Chiếc hộp xốp tuy thông dụng nhưng làm từ loại nhựa phế thải, có rất nhiều chất độc hại tiết ra khi dùng đựng những món nóng hoặc chua, nhưng mọi người vẫn vô tư dùng. Hơn nữa lại thải ra rất nhiều. Mang theo đồ đựng của mình tuy có hơi cồng kềnh và phải tốn công rửa, nhưng an toàn cho bản thân và có lợi cho môi trường.
  • Ly nước: Mang theo bình hoặc ly đựng nước. Mẹ con tôi khi đi trà sữa mang hẳn theo ly nước của mình, sau đó ung dung mang ra bàn ngồi uống như bao người khác. Trân châu to quá mà không có ống hút ư? Dùng muỗng múc vậy. Nước suối à? Hoàn toàn không nhé. Tôi đã có bình nước riêng cho mình rồi.
  • Xà phòng: Tôi dùng xà phòng handmade. Trước đây tôi tự làm để dùng, nhưng giờ bận rộn quá nên phải mua từ người khác. Bao bì của những sản phẩm này siêu đơn giản, chỉ là một mảnh giấy gói, thay vì các loại sữa tắm, dầu gội sẽ luôn đựng trong chai nhựa. Mua hết chai này lại dùng đến chai khác. Tự tính toán, tôi thấy lượng chai nhựa mình thải ra khá nhiều nên đang dần từ bỏ.

3. Ưu tiên sử dụng những sản phẩm tự nhiên, bao bì đơn giản:

Lý do rất đơn giản, những sản phẩm tự nhiên bản thân nó đã thân thiện với môi trường. Ví dụ như trái cây thì bao bì tự nhiên của nó đã là những loại vỏ, dù có vứt đi mà không phân loại rác thì nó vẫn dễ dàng phân hủy trong tự nhiên, chứ không phải tốn hàng trăm năm như những loại bao bì bằng nilon.

4. Không nhận đồ miễn phí, cân nhắc kỹ trước khi mua một món đồ:

Mỗi một món hàng được sản xuất ra, dù là để bán hay tặng thì cũng làm hao tốn các nguyên liệu, tài nguyên khác, chưa kể đến những món hàng có các kiểu bao bì được bọc gói rất kỹ càng. Vì vậy, để giảm thiểu lượng rác thải, cũng như tiết kiệm tài nguyên, bạn hay suy nghĩ trước khi quyết định nhận món đồ miễn phí mà hoàn toàn không có tác dụng với mình. Tương tự, hãy cân nhắc thấu đáo trước khi quyết định sẽ mua một món hàng về nhà.

5. Dùng máy sấy tay, thay vì khăn giấy hoặc khăn giấy ướt:

Mọi người thường nghĩ rằng giấy là một vật liệu thân thiện với môi trường. Tuy nhiên để sản xuất được giấy thì cũng tiêu tốn gỗ và rất nhiều nước. Chưa kể giấy ướt lại là một trường hợp cực kỳ khó phân hủy trong tự nhiên. Vì vậy, nếu ở nhà hãy dùng khăn cotton, hoặc ra ngoài thì sấy tay tại máy sấy bạn nhé. Cũng nhanh khô tay lắm, không lâu đâu.

-----
Lối sống Zero Waste thật sự đơn giản đúng không? Đó mới là những bước đầu. Chặng đường rất dài, vì tôi muốn có nhiều người cùng thực hiện lối sống này. Môi trường không phải của bạn hay của tôi, mà của tất cả chúng ta. Chúng ta đang sống, chịu ảnh hưởng và tác động ngược lại đến môi trường. Vì vậy hãy cứu lấy môi trường ngay khi còn có thể.

Tôi nghĩ rằng cứ bước đi sẽ gặp được những người đồng hành thú vị. Tôi sẽ bước tiếp thật hăng say. Bạn cùng bước với tôi chứ?

-----


No comments:

Post a Comment