Thổ Nhĩ Kỳ - bước ra từ trang sách tuổi thơ (1)

Turkey


Thổ Nhĩ Kỳ - 1 trong những chiếc nôi văn minh của nhân loại mà nhưng không được quan tâm nhiều như những nơi khác. Tôi ấp ủ mong muốn đi đến nơi này từ những ngày còn nhỏ vì sự thú vị được đọc qua những trang sách. Mỗi lần gấp sách, tôi nhắm mắt và hình dung thấy thành Ephesus, ngựa cổ thành Troy…

Những cuộc xung đột chính trị không hề làm cho đất nước này giảm đi vẻ xinh đẹp của mình, mọi thứ vẫn như bước ra từ những trang sách thuở ấu thơ. 

Đất nước có 3% lãnh thổ nằm ở Châu Âu và phần còn lại ở Châu Á. Chúng tôi đã đi qua những đâu trên đất nước này trong những ngày hè nắng đẹp?

----------

ISTANBUL - Thành phố nhiều mộng tưởng

Nhiều người nhầm tưởng Istanbul là thủ đô của Thổ Nhĩ Kỳ. Thật ra, thủ đô của đất nước này là thành phố Ankara. Tuy nhiên, đây là khu vực có rất nhiều bất ổn về mặt an ninh nên chúng tôi không ghé thăm. 

Nói về Istanbul, đây là thành phố lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ, có lãnh thổ nằm trên cả châu Âu và châu Á. Napoleon Bonaparte từng nói rằng: “Nếu thế giới này là một đất nước, Istanbul sẽ là thủ đô.” Câu nói này giờ đây được nhắc đến như slogan ngành du lịch của đất nước này.

Turkey
Khu phố cổ yên bình của Istanbul

Hagia Sophia

Đây xứng đáng là địa điểm tham quan số 1 kinh đô cũ của đế chế Ottoman. Vào thời điểm ban đầu, năm 536, đây là thánh đường Thiên của giao Đông phương, nhưng đã đổi thành nhờ thờ Hồi giáo vào năm 1453. Năm 1935, tổng thống đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố đây là một bảo tàng lịch sử với hình thái kiến trúc sáng tạo, bề dày lịch sử phong phú và có tầm ý nghĩa tôn giao giáo quan trọng.

Khi bước vào thánh đường, tôi đặc biệt chú ý đến trần nhà được vẻ những bức tranh rất đẹp, đặc biệt là hình ảnh thiên thần bị bịt mất đôi mắt.

Blue Mosque

Còn được gọi là Thánh đường xanh, hay nhà thờ Hồi giáo Sultan Ahmed, là một trong những biểu tượng lâu đời nhất của Istanbul. Sultan Ahmet là nhà thời 6 cột đầu tiên và là một trong những nhà thờ lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ.

Rất tiếc khi chúng tôi đến đây, thánh đường này đang trong giai đoạn đóng cửa trùng tu, nên chỉ được quan sát từ phía bên ngoài.

Grand Bazaar

Ngôi chợ lớn nhất Châu Âu. Ngôi chợ được xây dựng năm 146, là nơi trao đổi hàng hóa thời đế chế Ottoman và cũng nằm trên con đường tơ lụa. Chợ rộng lớn như một mê cung với kiến trúc Hồi giáo cổ. Bước vào đây, tôi như hồi tưởng cảm giác đông vui nhộn nhịp của một thời cổ đại phồn hoa. Nơi đây bán từ thức ăn, khăn lụa, đồ lưu niệm, đến thời trang địa phương và quần áo, túi xách, giày dép nhái. Tôi tìm thấy ở đây những món Turkish Delight mang về làm quà cho người thân, cả những chiếc đèn mà tưởng tượng xoa tay một chút sẽ thấy thần đèn xuất hiện. Tôi đặc biệt tìm cho ba những con dao khảm ngọc và xà cừ để làm quà cho ba, nhưng chỉ thấy được loại dao dành riêng cho khách du lịch, chứ không có loại nguyên bản.

grand bazaar


Biển Marmara - Eo biển Bosphorus

Một trong những điều đặc biệt nhất của Istanbul: là thành phố nối liền châu Âu và châu Á.

Eo biển Bosphorus - được xem như linh hồn của Istanbul, là một eo biển dài khoảng 33km nối hai biển (biển Marmara và biển Đen), cũng như nối liền hai đại lục Á - Âu. Chuyến du ngoạn kéo dài gần hết buổi sáng đã cho chúng tôi những cảm giác thật khó quên.

Nhìn bên trái - châu Âu, chuyển mắt sang bên phải - châu Á. Cảm giác lâng lâng khi đi giữa hai châu lục. Đến gần cuối chuyến hải trình, chúng tôi được tận mắt chiêm ngưỡng những dãy nhà sát bờ biển của những người siêu giàu không chỉ của đất Thổ, mà còn những nhân vật nổi tiếng thế giới nữa.

bosphorus
Bên Á - Bên Âu
Cung điện Dolmabahace

Đây là cung điện lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ, nằm trên cung đường đẹp lãng mạn của Istanbul. Cung điện được xây dựng theo yêu cầu của vị Sultan thứ 31 của đế chế Ottoman. Dolmabahace được xây dựng theo lối kiến trúc cung điện của vua chúa châu Âu, hiện đại, sang trọng và thoải mái hơn so với những cung điện trước đây.

Đây cũng là nơi lớn nhất thế giới được trang trí bởi các đèn chùm bằng pha lê Bohemian, được trang hoàng trong các hội trường lớn. 

Mustafa Kemal Atatürk, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đầu tiên cũng đã sử dụng cung điện này để làm nơi ở trong mùa hè và trưng bày những tác phẩm đặc trưng của ông. 

Cũng như bao cung điện khác ở châu Âu, hãy ngước nhìn lên vòm nhà rất cao được trang trí bằng nhiều hình ảnh đẹp mắt. Tôi còn đặc biệt ấn tượng với khu vực cầu thang bằng pha lê.

Đến đây, bạn sẽ được phát một bộ máy để nghe hướng dẫn qua tai nghe. Đến mỗi khu vực khác nhau, sẽ có một điểm kích hoạt tại đây để kích hoạt “hướng dẫn viên ảo” nói cho bạn nghe về nơi bạn đang tham quan.

Dolmabahace

Chợ gia vị

Một ngôi chợ nhỏ hơn Grand Bazaar. Nếu như Grand Bazaar dành chủ yếu phục vụ khách du lịch, thì chợ gia vị lại đông đúc bởi người địa phương nhiều hơn. Sản phẩm đặc trưng được thể hiện từ cái tên. Chợ chuyên bán các loại gia vị và bánh kẹo, Turkish Delight. Bingo khi đến đây đã được ưu ái rất nhiều. Các gian hàng kéo cậu nhóc vào tặng kẹo, chụp hình. Bạn trẻ bán kem truyền thống thì liên tục trêu ghẹo Go cho đến khi giao kem tận tay. Người Thổ ở đây rất đáng yêu!

chợ gia vị
Bánh kẹo, Turkish delight, gia vị... Tha hồ mua về làm quà!


----------

ÇANAKKALE

Tôi mang nhiều mộng tưởng với ngựa thành Troy, với đền thờ Athena. Mộng tưởng đến từ những trang sách và mơ mộng của thời ấu thơ. Mộng ước không xa vời. Canakkale đã biến giấc mơ của tôi thành hiện thực.

Sử thi Iliad của Homer nổi tiếng với cuộc chiến thành Troy, và tôi luôn nghĩ rằng thành Troy ở Hy Lạp cho tới khi tới Thổ Nhĩ Kỳ.

Khi vừa đặt chân xuống thành phố cảng Çanakkale, đập vào mắt tôi là con ngựa gỗ khổng lồ nằm ngay bên cảng. Đó chính là con ngựa thành Troy trong bộ phim Cuộc chiến thành Troy với vai chính thể hiện bởi diễn viên Brad Pitt.

Từ thành phố Çanakkale đi đến di tích cổ thành Troy tầm khoảng 30km. Khu vực này đã bị phá hủy bởi chiến tranh, mà có thể đó chính là cuộc chiến thành Troy, trong đó có cả dấu vết của một trận hỏa hoạn. Các cuộc khai quật chỉ tìm được một phần nhỏ dấu vết nên các nhà khảo cổ vẫn chưa nghiêng về giả thiết nào hơn - chiến tranh hay hỏa hoạn. Mãi đến năm 1988, người ta mới phát hiện ra khu vực này là pháo đài trên một đỉnh đồi, chứ không phải là một thành phố với kích thước như Homer mô tả.

Những năm 1871 - 1873 và 1878 - 1879, doanh nhân đồng thời là nhà khảo cổ học Heinrich Scheliemann đã khai quật ngọn đồi này của đế quốc Ottoman, khám phá một loạt tàn tích có từ thời kỳ đồ đồng cho tới tận thời La Mã. sau những nỗ lực của ông, thành Troy cùng những báu vật đã được phát hiện, song vì là một người kinh doanh, ông đã mang bán đi rất nhiều vật báu của khu vực di tích này ra khắp thế giới mà mãi đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa thể nào thu hồi lại được hết.

Trong khu vực này, có một con ngựa khổng lồ nằm trên sân chính, thu hút nhiều du khách trèo vào bụng để chụp ảnh. Ngoài ra, còn có khu vực nhà hát thời kỳ La Mã và cả tàn tích trần nhà của đền thờ Athena. 

Dạo quanh thành Troy, tôi chỉ còn nhìn thấy những di tích đá đổ nát, những bức tượng gợi lên thời kỳ La Mã. Thành Troy huy hoàng chỉ mãi huy hoàng trong sử thi mà thôi.

Troia
Ngựa thành Troy - trong phim của Brad Pitt

Athena
Bức phù điêu trên trần đền thờ Athena

Troia
Hai mẹ con bên chút tàn tích còn sót lại của thành Troy

Troia
Ngựa thành Troy nguyên bản - đã được phục chế
----------

No comments:

Post a Comment