Từ lúc qua Phần Lan đến giờ, mình chưa bao giờ nói với ai về những khác biệt giữa Việt Nam và Phần Lan. Vì sao? Vì mình yêu cả hai. Một nơi là quê hương, là Tổ quốc, một nơi là vùng đất mới với nhiều điều mới.
Nhưng mà nhiều người hỏi quá, nên mình làm một bài blog để mọi người đọc, có thể phần nào hiểu được. Tuy nhiên nó chỉ dựa trên góc nhìn của mình thôi. Có những điểm có thể thấy rõ mồn một nên mình không nêu ra ở đây. Mình không viết để tranh luận, chỉ mong cung cấp thêm thông tin từ góc nhìn của mình thôi.
1. Thời tiết:
Việt Nam siêu nóng, Phần Lan thì siêu lạnh. Tuy nhiên, khi sang đây, mình học được Phần Lan có một câu nói rất hay rằng: “Không có trời lạnh, chỉ có do bạn mặc trang phục chưa đúng thôi.” Ở Phần Lan mình mặc chỉ 2-3 lớp là đủ ấm ngay cả khi nhiệt độ -20. Còn ở Việt Nam thì mình cứ quần short, áo dây, đầm ngắn, ngày xưa đi làm thì vì tính chất công việc, mình cũng mặc quần jeans, áo thun, đầm lụa để đảm bảo lịch sự mà vẫn thoải mái, khi nào cần formal thì blazer mỏng hoặc không tay. Ở đâu thì mặc theo đó. Không có gì để phàn nàn.
2. Thiên nhiên:
Thiên nhiên ở Việt Nam rất đẹp và phong phú: núi, biển, hồ, rừng, hang động... Bạn chỉ than nó không đẹp khi bạn chưa đi đủ thôi. Chỉ có điều là phải đi khá xa mới thấy được thiên nhiên hùng vĩ đó. Mình phần nào thỏa mãn khi đã rong ruổi gần hết đất nước đê trực tiếp chiêm nghiệm được điều này. Còn ở Phần Lan thì thiên nhiên ngay khung cửa sổ. Tuy nhiên cảnh trí ở Phần Lan thì không hung vĩ như ở Việt Nam đâu, chỉ có hồ và rừng. Nhưng ở đô thị thì mình thích ở Phần Lan hơn, không khí trong lành và chỉ cần mở cửa là có thể ôm trọn một chiếc cây xanh vào lòng. Ngoài ra, đô thị ở Phần Lan cũng khá yên ả và trong lành.
3. Giáo dục đại học:
Mình học hệ khoa học ứng dụng bên này thì nói thật mình không thấy thích chút nào cả. Có thể vì mình đã có kinh nghiệm làm việc lâu năm, hoặc cũng có thể vì mình kỳ vọng nó năng động hơn thế này. Mình trước đây học Đại học Kinh tế TP. HCM (UEH) nhưng tập trung nghiêm túc và rất năng động trong hoạt động phong trào, văn hóa văn nghệ thì khi bước vào công việc, mình vẫn đủ khả năng để bắt kịp những bạn du học về nước. Các bạn sinh viên bên này học xong, vẫn nhiều bạn ngơ ngác với cuộc đời không biết mình phải đi bước tiếp theo là gì, và mình làm được gì.
4. Giáo dục tiểu học, phổ thông:
Dù ở Việt Nam hay Phần Lan thì Bingo vẫn luôn chủ động trong học tập, tự tìm hiểu thông qua sách và internet. Mình nhận thấy ở Phần Lan học hành chỉ đơn giản và nhẹ nhàng ở lứa tuổi tiểu học và cung cấp nhiều kỹ năng sống (trong khi những kỹ năng này ở Việt Nam nếu muốn có thì mình phải đóng nhiều tiền cho tới rất nhiều tiền). Còn từ trung học trở lên, chương trình học cũng nặng dần và có sự phân hóa. Nhưng mình rất thích Phần Lan ở điểm luôn có hoạt động thể chất trong trường học. Dù mưa hay tuyết rơi, học sinh vẫn phải hoạt động ngoài trời, nhiệm vụ của cha mẹ là chuẩn bị trang phục phù hợp cho con. Giáo viên thường xuyên email để cập nhật tình hình của con, giáo dục hướng theo sự phát triển của từng trẻ. Và với mình, nền tảng giáo dục của gia đình vẫn là quan trọng nhất.
5. Sự tự do:
Bên này nhiều sự tự do hơn cho trẻ em. Tuy nhiên, mình thấy nó hơi quá extreme. May mắn cho mình là Go lớn lên ở môi trường Việt Nam nên cậu có được khả năng tạo “rào chắn an toàn” khá tốt như: “Cái nhóm này tụi nó hút cần đó mẹ, con tránh hết.” hay “Tụi con gái khối lớp con nó cứ 1h sáng nhắn tin trên group rủ nhau đi chơi. Giờ đó thì con ngủ cho nó khỏe. Tụi nó còn nhắn tin chia tay bồ bịch trên group, kêu ‘Đàn ông là lũ xấu xa.’ Con tắt luôn notification cái group đó rồi.” Mong rằng bản thân mình luôn đủ tỉnh táo và đồng nhịp với sự phát triển của con để luôn được con xem như một người bạn đồng hành như bây giờ.
6. Học phí:
Mình học nhanh nên cả 2 năm chỉ tốn 10k euros học phí (early bird rồi học bổng nên mới được mức này nha), chỉ hơn chi phí học hành trong 1 năm của Go ở trường song ngữ một chút, còn Go thì được miễn học phí, ăn trưa, sách vở và học cụ. Tính ra sẽ hiểu là ở đâu sẽ tiết kiệm hơn nhe.
7. Sách:
Niềm đam mê bất tận của mẹ con mình. Thư viện ở khắp nơi và hoàn toàn miễn phí. Có cả sách tiếng Việt. Nếu như trước đây mỗi tuần phải dẫn Go đi mua sách thì bây giờ mỗi tuần Go tự mượn sách. Dù sách đang ở phía Bắc cũng sẽ được giao đến thư viện gần nhà và Go mang thẻ thư viện đến nơi để mang về đọc, đọc xong mang trả lại mang sách mới về.
8. Hoạt động ngoại khóa:
Với Go thì là đá bóng nhé. Một trong những nguyên nhân mình đưa Go sang đây là vì đá bóng, vì mình tin là cậu có điều kiện để tương tác với những sắc dân khác để tự đánh giá được trình độ của mình mà có quyết định đi lâu dài hay không. Người mẹ này chỉ đơn giản là nuôi dưỡng tài năng và ước mơ cho con. Khi bạn tham gia vào học rồi, thì mới thấy rõ năng lực của mình. Về nhà cậu than: “Tụi châu Phi nó chạy ghê quá! Con đuổi theo muốn hụt hơi. Mấy đứa Brazil đá cũng kinh khủng khiếp nữa! Con hiểu tại sao nền bóng đá Brazil lại mạnh như thế rồi.” Đó, phải ra khỏi ao làng mới hiểu được mình đang ở đâu nha. Mình tính thấy chi phí cho những hoạt động này tính ra lại cao hơn ở Việt Nam.
9. An toàn:
10 điểm cho Phần Lan. Với 1 chiếc vé tháng và điện thoại di động, Go tự do đi lại vòng vòng giữa 3 thành phố: Helsinki, Vantaa và Espoo. Cậu đã biết sử dụng app để xem tuyến xe và Google Map để tìm đường đi được rồi. Mình đi về hơi trễ buổi tối cũng thấy an tâm trong lòng hơn. Mình thích nhất là ngủ 60 phút trên train, để balo cạnh bên, đến nơi thì xách đồ đi xuống mà vẫn an toàn. Hay lỡ có hôm mình để quên ở quán café 2 chai rượu vừa được tặng thì tuần sau mình đến quán, các bạn nhân viên vẫn giữ ở kho để chờ mình đến nhận lại.
10. Thức ăn:
Dù ở đâu thì mình vẫn ăn tả pí lù theo tinh thần “cân bằng.” Lỡ ăn thực phẩm rác thì mai ăn lại thức ăn lành mạnh. Đó là sự “cân bằng” mà mình tự đặt ra. Mình không quá khắt khe với vấn đề này, vì với mình, thoải mái trong tinh thần mới là điều quan trọng. Đồ ăn Việt Nam ở bên này thì đắt hơn ở Việt Nam rất nhiều. Trái cây cũng siêu giới hạn mà mình chỉ lại thích trái cây Việt Nam. Từ nhỏ mình đã không thích táo lê nên qua đây, mình hầu như không ăn trái cây mà chỉ bổ sung rau xanh. Mình trước đây làm trong ngành chuyển hóa trao đổi chất nên hiểu rằng nó là ổn và thật sự nó vẫn ổn khi mình đo đạc các chỉ số khi về Việt Nam vào mùa hè rồi.
Cơ mà nguồn nước thì mình thích của Phần Lan hơn. Nơi đây có nguồn nước sạch nhất thế giới nên mình chỉ cần mang chiếc bình đi khắp nơi hứng nước từ vòi mà vẫn đảm bảo vệ sinh, an toàn và không sợ thải rác nhựa.
11. Du lịch:
Chỉ ở Việt Nam, mình đã có thể tham quan ở các địa điểm với nhiều cảnh trí và di tích phong phú. Phần Lan rất ít lâu đài lịch sử (mà với mình vốn là cái hook xịn sò và khác biệt của châu Âu). Cảnh trí thì quanh quẩn hồ, rừng thì mình cũng thấy hơi nhạt, vì tại sao mình phải chạy xe sang thành phố khác cũng chỉ để thấy rừng, hồ, tuyết và một số nơi có biển. Nó mang đến cho mình cảm giác yên bình và thanh thản. Nhưng với một người “tăng động” như mình thì nhiêu đó là chưa đủ. Vậy nên nếu du lịch ở đây thì mình thích bay sang nước khác hơn.
12. Sự thú vị:
Việt Nam thú vị hơn nhiều với nhiều hoạt động mới liên tục được cập nhật. Con người Việt Nam cũng cởi mở hơn. Tuy nhiên, ở Phần Lan cũng không ít những con người thú vị đâu. Chỉ cần mình biết mở lòng và biết cách kết nối thôi.
13. Y tế:
Việt Nam vẫn hơn về mặt dịch vụ và tay nghề bác sĩ. Mình dành gần 2 năm để về Việt Nam xử lý vấn đề răng miệng và 1 căn bệnh khác chứ bên này book bác sĩ thì rất lâu và gặp rồi chưa chắc xử lý được vấn đề hoặc đi bệnh viện tư thì khá đắt. Vậy nên mình mới học thêm diện chẩn để chăm lo được vấn đề sức khỏe thường ngày của bản thân và con trai.
14. Công việc:
Có lẽ mình được sinh ra ở một ngôi sao may mắn nên gặp nhiều vận may trong công việc từ lúc ra đời đến giờ. Khi sang Phần Lan, mình có làm việc tay chân một lần trong một tháng, đó là công việc tại cửa hàng Zara ở trung tâm. Còn lại, mình luôn được yêu thương và nâng đỡ để làm việc đúng chuyên môn và mở rộng chuyên môn ra hơn, cũng như network trong công việc. Mình tự cảm thấy may mắn khi luôn có một ai đó giúp mình nhìn thấy được cách tạo ra hướng đi khác. Thật sự rất biết ơn vì điều này. Vậy nên với mình: Ở đây cũng vậy, làm việc mà thấy vui và ý nghĩa là được.
15. Gia đình:
Việt Nam là nhất. Cả Go và mình đều yêu thương và trân qu gia đình hết mực. Go may mắn được sinh ra và nuôi lớn trong môi trường tứ đại đồng đường nên bạn có ký ức tốt đẹp về ông bà cố, về sự kết nối của các thành viên trong gia đình. Nếu một ngày bạn thấy hai mẹ con mình xách vali quay lại sống ở Việt Nam thì đây chắc chắn là nguyên nhân duy nhất. Xin đừng suy diễn và hỏi han gì thêm nhé.
16. Quốc gia hạnh phúc?
Đây có lẽ là một thông tin được các agent dung để thu hút khách hàng. Tuy nhiên, cần hiểu đúng rằng đánh giá này được dựa trên 6 chỉ số như sau:
- GDP bình quân đầu người
- Hỗ trợ xã hội
- Tuổi thọ trung bình
- Quyền tự do lựa chọn cuộc sống
- Sự rộng lượng
- Nhận thức về tham nhũng
Chữ “hạnh phúc” không đo đạc dựa trên cảm giác hạnh phúc của mỗi cá nhân. Những chỉ số này thật sự rất hay, tuy nhiên mình cảm thấy Hỗ trợ xã hội ở Phần Lan lại quá ưu đãi dẫn đến có một số người lười nhác hoặc bị ì, không năng động như ở châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Thất nghiệp, nhiều người sẵn sàng ở nhà để nhận trợ cấp, hoặc có những gia đình tị nạn sang đây sinh con liên tục để nhận trợ cấp cho các con mà nuôi đủ cả gia đình. Sự công bằng nhìn nhận lại chút hóa ra lại có bất công trong đó nữa. Mình note ra đây để mọi người có thêm góc nhìn. Còn với mình, hạnh phúc là trong tâm và xuất phát từ tâm.
Mình mong rằng bạn đọc bài này để có thêm một góc nhìn về hai nước. Mong bạn tiếp nhận bằng tâm hồn và trái tim rộng mở.
Với mình, nơi đâu cũng có điểm hay và chưa hay. Sống ở đâu tùy thuộc vào hành trình phát triển cá nhân của bản thân ngay tại thời điểm đó chứ không phải là lựa chọn tốt đẹp tuyệt đối.
Cho đánh giá điểm tình yêu thì dĩ nhiên là mình yêu Việt Nam hơn rồi nè, vì ở đó mình có ông bà, ba mẹ và chị em mà.
No comments:
Post a Comment