Rong ruổi đất Phật Myanmar (2)

Ngày thứ 4: Mandalay


Đường phố Mandalay
Chúng tôi khởi động ngày bằng việc anh taxi đón ở cửa từ sáng sớm. Tối qua về, chúng tôi đã nhờ anh ấy chở, cùng chia chi phí với một cặp vợ chồng người Đức. Hôm nay, anh ấy sẽ chở mẹ con tôi và cặp đôi nọ đi city tour. Chi phí chia đôi cho hai bên, mỗi bên 10.000 kyats.

Mandalay là cố đô của Myanmar. Thành phố Mandalay bé xíu. Ấn tượng đầu tiên là sự yên ả. Tuy nhiên, không khí đầy bụi bẩn và khói. Đi đường, những chiếc xe lam người ta bám đầy ngoài thành xe. Nhìn cứ như Sài Gòn của những thập niên 80, 90. Họ vẫn cười nói rôm rả như chẳng hề vướng bận chút âu lo gì.

Một cửa hàng xổ số
Ngôi chùa đầu tiên anh taxi đưa chúng tôi đến là Mahamuni. Ở đây nổi tiếng với lễ rửa mặt Phật lúc 4 giờ sáng. Thôi đành bỏ qua nghi lễ quan trọng này, vì Go không tài nào dậy nổi. Chúng tôi rảo bước để nhìn ngắm tượng Phật rất to đang được những người đàn ông vây quanh lau chùi cẩn thận. Bức tượng này có sự tích rất hay. Rồi tôi và Go cùng đến gian nhà mà người dân, đặc biệt là phụ nữ có thể tận tay rửa mặt cho Phật. Sở dĩ có gian nhà riêng này là vì gian phòng để bức tượng to kia chỉ có thể cho đàn ông bước vào. Đây cũng là một đặc trưng của những ngôi chùa ở Mandalay.

Toàn cảnh Mahanmuni
Rời Mahamuni, xe đưa chúng tôi thẳng tiến đến tu viện Mahagandayon để chờ đến 10 giờ xem các sư xếp hàng đi ăn trưa. Sư ở đây có cả những người đến từ Việt Nam. Tôi thấy ở danh sách hỗ trợ thu viện có cả những nhà hảo tâm đến từ Việt Nam.

Cảnh tượng rất đặc sắc. Trước giờ ăn, các sư tổ chức nấu ăn, xới cơm, dọn bàn ăn. Đúng 10 giờ, các sư từ nhỏ đến lớn đồng loạt xếp hàng, cầm theo chiếc bát khất thực, khăn choàng treo trên tay và mỗi người đều mang theo một chiếc ly nhỏ. Tôi rất thắc mắc về chiếc ly này. Các sư mặc hai màu áo: độ tuổi lớn mặc áo nâu, còn các sư nhỏ tuổi mặc trang phục màu trắng. Họ xếp hàng rất nghiêm túc, chờ đến giờ vào ăn. Họ kết thúc bữa ăn rất nhanh, và sau đó lấy chiếc ly mang theo khi nãy nhận phần sữa mang về.

Các sư xếp hàng trong yên lặng
Một cô bé hành khất ở tu viện
Chương trình đi ngày này thất bại nhất có lẽ là phần tham quan cầu Ubein. Đây là chiếc cầu gỗ tếch dài nhất thế giới. Đây là địa điểm tuyệt vời để ngắm bình minh hoặc hoàng hôn. Nơi đây được mệnh danh là một trong những địa điểm ngắm hoàng hôn đẹp nhất thế giới. Tuy nhiên, giờ chúng tôi tham quan là 11-12 giờ trưa. Mặc dù trời nắng gắt, cảm giác có chút ngột ngạt, nhưng cây cầu vẫn rất đẹp. Tương truyền cầu được xây từ năm 1850. Mỗi trụ gỗ trong số 1.086 trụ đóng xuống lòng hồ đều chứa trong mình một câu chuyện. Cây cầu dài 1,2km bằng gỗ tếch được bắt qua Taungthaman. Bước từng bước chậm rãi trên đó, chạm vào từng thớ gỗ già nua ngả màu đen úa, tôi vẫn cảm thấy xúc động trước vẻ đẹp thời gian. Chúng tôi rảo bước trên cầu và thả ánh nhìn của mình đến những bình nguyên xanh ở phía xa.


Chúng tôi dùng bữa trưa tại một nhà hàng đặc sản của Myanamar. Đồ ăn ngon miệng, món nào cũng có vị cay. Trong bữa trưa, ông bà Michael và Regina đã chia sẻ cho chúng tôi thông tin liên lạc của họ tại Đức, và nhất định bảo rằng: “Mẹ con mày sang Đức nhớ gọi cho tụi tao. Tụi tao host cho. Nhà tao trống lắm. Ở nhà tao bớt được một khoản chi phí lớn đó. Đừng đi vào mùa đông. Lạnh lắm! Thằng bé chịu không nổi đâu.” Đáng yêu kinh khủng! Niềm vui của một traveller là bạn có thể bất ngờ làm quen với bất kỳ ai, ở một địa điểm đáng yêu nào đó trên trái đất này. Tôi cũng trao thông tin của mình ở Sài Gòn cho họ với lời dặn tương tự. Họ rất thích du lịch các nước Đông Nam Á, nên đã hứa rằng nhất định sẽ quay lại Sài Gòn.

Buổi chiều, chúng tôi tham quan cung điện rồi đến tu viện đá trắng. Tôi không thể diễn tả được tu viện này, chỉ vì nó quá đẹp. Những ngôi nhà nhỏ xây bằng đá hoa cương trắng xếp tầng tầng lớp lớp trong tu viện. Mỗi ngôi nhà nhỏ này đều bảo vệ một tấm bia nhỏ có chứa các câu kinh hoặc những tích Phật.


Chúng tôi tham quan thêm một ngôi chùa (mà tôi không nhớ nổi tên) rồi đến tu viện Golden Palace. Phải nhắc đến tu viện này vì tôi thật sự ấn tượng với nó. Tu viện được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ với nhiều hoa văn, tượng thần, Phật được chạm trổ tinh xảo. Theo thời gian, kiến trúc này ngả màu đen tuyền, càng tăng thêm vẻ huyền bí.


Điểm đến cuối cùng của ngày là đồi Mandalay. Chùa ở đây là chùa được xây mới sau này nên không có gì đặc sắc. Điều đặc biệt quan tâm của chúng tôi là cảnh hoàng hôn. Tuyệt đẹp! Chúng tôi trò chuyện rôm rả với nhau cùng ngắm hoàng hôn. Còn Go với chiều cao “hạn chế” của mình đã tự mò mẫm chui dưới dân người lớn cũng để ngắm và “săn” cho được những tấm hình mặt trời. Vậy đó, đi bụi như vậy, con có thể tự suy nghĩ để xoay xở cho những việc mình muốn rất linh hoạt. Đôi khi người lớn cũng nghĩ không ra.

Ngắm hoàng hôn theo cách của người "chân ngắn"
Tối hôm đó, hai mẹ con ăn lại quán của tối trước - Shan Mama. Chủ quán có vẻ là người Trung Quốc vì tiếng Hoa rất tốt, nhưng tiếng Anh cũng khá ổn. Quán thuộc dạng bình dân, giá khá ổn. Hai mẹ con chỉ tầm 3.000 kyats là đã no căng. Quán thu hút khá nhiều khách du lịch.


Hai mẹ con lại lên xe JJ để hướng về Inle Lake. Anh taxi sau khi trả hai mẹ con ở bến xe buýt còn ráng quay lại tặng cho cậu nhóc một túi bánh mì sandwich rồi mới đi. Người dân Myanmar dễ thương đến lạ!

-----------------
Ngày 5, 6: Inle Lake

4 giờ sáng, nhân viên nhà xe gọi chúng tôi dậy để làm thủ tục nhập cảnh Inle. Tôi nhớ không nhầm là 6.000 kyats/người.

4 giờ 30, xe trả chúng tôi ngay trục đường chính của Inle. Lạnh căm căm. Liếc nhìn điện thoại - 7 độ. Tôi đã không dự phòng được cho sự thay đổi thời tiết kinh khủng này, dù ở những vùng khác cũng đúng là ngày nóng, đêm lạnh, nhưng không lạnh đến mức độ này. Taxi ở đây cũng chỉ là những chiếc xe máy gắn thêm thùng bên hông. Hỏi Go muốn đi không, con nói không, đi bộ cho ấm, trời lạnh mà xe chạy nhanh thì lại càng lạnh hơn. Thế thôi hai mẹ con đi bộ, tầm 10 phút đến khách sạn đã book từ trước. Đoạn đường đi vắng tanh, thỉnh thoảng lại phải dừng lại ôm con vào cho con ấm. Vào khách sạn, chúng tôi dùng tạm một phòng trống vì chưa đến giờ check in. Hai mẹ con ôm nhau ngủ đến 7 giờ rồi tôi book một chiếc tàu chở riêng hai mẹ con đi thăm hồ (tôi không thể nhớ được giá thuê).

Hồ Inle nằm ở độ cao khoảng 889m so với mực nước biển, bao quanh bởi núi cao, và có diện tich khoảng 220km2. Nơi sâu nhất khoảng 6m, mực nước thay đổi theo mùa. Chênh lệch giữa mùa cạn (tháng 5) và mùa nước đầy (tháng 8) khoảng 1,2m. Nước trong văng vắt, có thể nhìn thấy những đám rong ở đáy hồ.

Bến thuyền
Cảnh ở Inle đẹp theo đúng kiểu phong thủy hữu tình. Người dân sinh sống trên hồ xây dựng nhà cửa và các công trình kiến trúc. Có đôi chỗ, tôi thấy không khác gì khu vực Châu Đốc hay chợ nổi ở miền Tây quê mình.

Điểm chính khi tham quan hồ là ngắm cảnh hồ. Điểm độc đáo nhất khi tham quan hồ là cảnh ngư dân ở đây chèo thuyền bằng một chân. Có một anh hình như chỉ chuyên phục vụ du lịch. Sau khi múa vài đường đẹp mắt, anh ngồi xuống nhặt từ thuyền của mình một con cá, cười toe toét rồi xin tiền tip. Vậy nên tôi post tấm ảnh của anh ngư dân thật, không phải ngư dân phục vụ du lịch.

Ngư dân chèo thuyền bằng một chân
Chúng tôi được đưa đến thăm các làng nghề truyền thống như làm đồ bạc, nghề mộc, hay làng sản xuất thuốc lá. Thuốc lá ở đây được làm bằng tay, có mùi thơm từ các loại thảo mộc. Các bà cụ ngồi phả khói, có lúc tôi có cảm giác như là mùi vape.

Những phụ nữ làm thuốc lá
Chúng tôi đến tham quan khu ở của người dân tộc Kayan nổi tiếng với chiếc cổ dài của mình. Bà cụ ở đây giới thiệu một bộ vòng tiêu chuẩn của phụ nữ Kayan, nặng ít nhất là 2kg. Hình dung cảm giác mang khối lượng kim loại nặng như vậy, thêm mớ vòng kim loại vây lấy cổ trong những ngày nóng bức, cứ cảm giác thương thương những người phụ nữ ở đây.

Một phụ nữ Kayan
Ăn trưa ở một quán ăn nổi ven hồ, chúng tôi gặp lại gia đình người Pháp hôm nọ cùng đi xem hoàng hôn ở Bagan. Là họ chào trước. Go thì nhanh nhảu ra tay bắt mặt mừng với cậu em nhỏ bằng tuổi.

Rời quán, chúng tôi ghé thêm tu viện mèo nhảy nổi tiếng với những chú mèo được các sư tập cho nhảy qua vòng rất đặc sắc. Thế nhưng đến nơi, mèo thì có nhưng nhảy thì không. Chúng nằm phè phỡn, ăn uống một cách lười biếng rồi lại đánh nhau. 

Chúng tôi tham quan thêm vài chùa nhỏ rồi quay lại điểm giữa hồ để ngắm hoàng hôn. Dường như ở Myanmar, điều làm tôi cảm thấy thú vị nhất là được ngắm hoàng hôn.

Hoàng hôn trên hồ
Chúng tôi cùng vào một quán Ấn ven đường làm một bữa no nê rồi quay về khách sạn. Trời cũng bắt đầu trở lạnh.

Bữa tối của hai mẹ con
Sáng hôm sau, hai mẹ con thuê chiếc xe đạp của khách sạn đạp vòng quanh Inle để khám phá các ngóc ngách. Tầm sau giờ trưa, chúng tôi quay về khách sạn để chờ xe JJ đến đón về Yangon.


Inle yên bình
-----------------
Ngày 7: Yangon - Sài Gòn

Chúng tôi đến Yangon khá sớm. Tuy nhiên, tôi ra thẳng sân bay chứ không vào nội thành, dù chuyến bay sẽ khởi hành lúc hơn 12 giờ trưa. Đọc tin tức thấy cách đó hai ngày có đánh bom tại đây, tôi bỏ hết mọi ý định quay vào thành phố này, dù rằng đã hứa sẽ vào chợ Boyoke mua một viên đá quý cho cậu bạn.

-----------------
Chuyến đi Myanmar kết thúc tốt đẹp. 

Ấn tượng của tôi về đất nước này là sự yên bình đến lạ kỳ. Người Myanmar tôn thờ và tin tưởng vào Phật và những vị thần. Nhìn cách họ viếng chùa, đọc kinh và lạy Phật mới thấy niềm tin của họ vào tín ngưỡng này lớn đến nhường nào. Đó còn là những nụ cười đôn hậu và tinh thần hiếu khách rất dễ thương. Tuy nhiên, vẫn có những người làm cho khung cảnh này có phần xáo trộn đôi chút. Thiết nghĩ, xã hội nào cũng có người này người kia. Không nên lấy đó để đánh đồng. Với mẹ con tôi, đó là những ngày muốn đi lúc nào thì đi, thích ăn gì thì ăn, đang đi thấy cảnh nào đẹp thì cứ việc ghé thăm và chụp hình. Dù rằng quá vất vả với một đứa trẻ. 6 đêm thì hết 3 đêm trên xe, 4 chuyến xe buýt đường dài. Tôi thấy các cặp khác dẫn con đều có hai người. Mỗi mình tôi một mẹ một con. Một cô người Pháp bảo: "Mày lỳ quá!" Nhưng mà hai mẹ con vui quá rồi còn gì. Vậy là quá đủ.

Đi để trở về, tôi và Go lại lên kế hoạch cho chuyến đi tiếp theo.

Tôi có làm một đoạn clip ngắn để tóm tắt hành trình.

-----------------

No comments:

Post a Comment