Nói gì với con trẻ trong đại dịch

Covid-19, Corona, đại dịch, con cái, trẻ con

Chúng ta hiện nay đang bị choáng ngợp trước những con số và thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19. Con trẻ mỗi ngày nghe thời sự chung với người lớn có thể cũng không tránh khỏi sự lo lắng. Đây là một việc dễ hiểu. Vậy nên, phụ huynh cần có sự hỗ trợ phù hợp với con trẻ để con có thể hiểu, biết cách ứng phó hoặc có thể có sự hỗ trợ ngược lại khi cần. Đừng nên để con trẻ rơi vào tình trạng ngơ ngác như chúng ta của những năm Y2K xưa kia.

Lắng nghe trẻ và đặt câu hỏi mở

Hãy xem trẻ như một người bạn mà nói chuyện thật chân thành. Hãy hỏi xem con đã có được những thông tin gì và hiểu gì.

Nếu là trẻ nhỏ và chưa hiểu về thông tin dịch bệnh, mà chỉ biết là mình được nghỉ học ở nhà, thì không nhất thiết phải nêu lên vấn đề, mà chỉ cần tận dụng dịp này để nhắc nhở bé về việc giữ gìn vệ sinh cho bản thân và cho người khác.

Với trẻ từ 6 tuổi trở lên, hãy tìm hiểu kỹ trẻ đã cóp nhặt được những thông tin gì và lắng nghe câu chuyện của trẻ. Con tôi là một đứa trẻ 9 tuổi nên mỗi ngày bé đều cập nhật thông tin về số ca bệnh, số người chết ở toàn cầu, ở Việt Nam. Việc cập nhật mỗi ngày như vậy có thể vô tình mang đến cho bé năng lượng tiêu cực. Vậy nên tôi luôn chịu khó giải thích, trấn an cho bé. Hãy luôn đồng cảm với bé bằng cách thừa nhận cảm xúc của con và thể hiện mình đang dành toàn bộ sự chú ý cho con.

Hướng dẫn trẻ tiếp cận nguồn thông tin phù hợp

Gia đình không tránh khỏi cách hành xử của xã hội hiện nay là luôn cập nhật liên tục về tình hình bệnh dịch. Nguồn thông tin từ mạng xã hội là chính. Vô tình sẽ lan sự sợ hãi và tiêu cực.

Tuy nhiên, trẻ vẫn có quyền được tiếp cận thông tin đúng về những gì đang diễn ra. Người lớn cần có trách nhiệm bảo vệ con trẻ khỏi những cảm xúc lo âu và sợ hãi. Hãy giúp trẻ giới hạn thời gian cập nhật thông tin: Mỗi ngày chỉ cập nhật một lần là đủ. Chọn những kênh truyền thông chính thống để đảm bảo thông tin chính xác. Dạy cho trẻ hiểu rằng nên tìm kiếm thông tin ở những nơi do các chuyên gia cung cấp. Có thể hỗ trợ thêm những kênh như UNICEF hay Tổ chức Y tế Thế giới. Nên hướng dẫn bé về các triệu chứng bệnh để bé có thể hiểu và nhanh chóng nhận biết khi người xun quanh, hoặc bản thân có vấn đề.

Nếu bé là một người có khả năng tư duy phản biện tốt, có thể nhân dịp này tranh thủ cùng trẻ tìm hiểu những vấn đề khác: Vì sao Olympic lại bị hoãn, vì sao phải đeo khẩu trang...

Dạy trẻ cách bảo vệ bản thân

Hướng dẫn trẻ giữ vệ sinh thân thể, đeo khẩu trang khi có việc cần thiết phải đi ra ngoài. Đặc biệt hướng dẫn trẻ rửa tay sạch sẽ và thường xuyên theo đúng quy chuẩn của Bộ Y tế. Có thể cho bé nghe các điệu múa như "Ghen - Cô Vy" rất dễ thương. Con của tôi rất thích điệu múa này.

Cũng cần hướng dẫn cho con cách che miệng bằng khuỷu tay khi ho hoặc hắt hơi. Đồng thời cần giải thích cho con hiểu để không tiếp xúc gần với những người có triệu chứng bệnh, cũng như nhắc nhở con phải trung thực với bố mẹ về tình trạng sức khỏe của mình: ho, đau họng, hay khó thở.

Trấn an tinh thần

Bản thân người lớn chúng ta khi nghe/đọc thấy quá nhiều thông tin tiêu cực trên báo đài, hay trên mạng Internet đều có cảm giác khủng hoảng đang ở ngay sát cạnh mình. Trẻ em cũng có cảm giác tương tự, nhưng trẻ không biết cách kiểm soát được cảm xúc, có thể sẽ trở nên mất cân bằng hơn. Chúng ta có thể giúp trẻ cân bằng lài bằng cách tạo điều kiện để duy trì cho bé lịch sinh hoạt cố định và điều độ. Nên cùng bé thảo luận để tạo ra một lịch sinh hoạt trong bối cảnh mới. Trước khi đi ngủ nên dành thời gian để lắng nghe con nhiều hơn.

Đồng thời cũng cần trấn an trẻ khi thấy tất cả mọi người đều đeo khẩu trang, hoặc các nhân viên y tế đều mặc đồ bảo hộ. Với trẻ mọi thứ đều lạ lẫm và có thể trở nên đáng sợ. Cần giải thích với con đó là những biện pháp để bảo đảm an toàn cho mọi người trong giai đoạn này.

Bé cũng có thể sẽ buồn vì phải xa bạn, xa thầy cô trong suốt một thời gian dài. Hãy bên cạnh con và an ủi, bù đắp phần tình cảm con bị thiếu hụt. Đồng thời, nên chuẩn bị trước tinh thần về những thay đổi trong việc học hành, môi trường giáo dục có thể xảy ra sau khi đại dịch kết thúc. Điều này giúp trẻ không bị bỡ ngỡ khi quay lại trường học.

Tìm kiếm sự trợ giúp

Hãy hướng dẫn trẻ tìm đến sự trợ giúp của những người đáng tin cậy khi gặp khó khăn trong suy nghĩ.

Cũng có thể chia sẻ thêm cho trẻ hình ảnh và thông tin của những hoạt động trợ giúp của các tổ chức, các bạn trẻ tuổi khác trong thời gian này. Đây cũng là lúc để trẻ học và hiểu hơn về những hoạt động có ý nghĩa cho cộng đồng.

Hơn hết, hãy cho trẻ biết rằng bạn là người để trẻ tìm đến và chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc trong lòng. Hãy thể hiện sự quan tâm, biết lắng nghe, và sẵn sàng bên cạnh trẻ bất kỳ khi nào bé cần.
----------
Photo by Paul Hanaoka on Unsplash

No comments:

Post a Comment