Liệu có trở lại bình thường?

Corona, Covid-19, pandemic, đại dịch

Những ngày này, Việt Nam đã giảm bớt rào cản "cách ly xã hội''. Tuy nhiên, cuộc sống vẫn chưa trở lại được bình thường như bao người đang mong muốn. Thế giới ngoài kia hãy vẫn còn đang lắm sợ hãi. Tuy chưa hình dung rõ về tương lai, nhưng không khó để nhận thấy được mọi việc sẽ khó trở lại được bình thường như trước kia, dù ai nấy mỗi ngày đều tự hỏi: "Khi nào mới bình thường lại?''

Kinh tế vĩ mô, chính trị, môi trường... những vấn đề rất nóng bỏng nhưng trong những ngày này đã phải nhường lại toàn bộ vị trí ưu tiên trên các trang báo cho con virus bé nhỏ nhưng gây ra hậu quả khôn lường.

Nhiều năm sau, chúng ta sẽ rôm rả bàn tán với nhau về kỳ nghỉ Tết dài kỷ lục này. Nhưng vượt trên mọi thứ, điều mà chúng ta quan tâm nhất hiện nay có lẽ là chất lượng cuộc sống sẽ ra sau hậu Covid-19?

Kinh tế toàn cầu nói chung và ở Việt Nam nói riêng bắt đầu thật sự ''thấm đòn''. Ở Việt Nam đã thấy 42.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hoặc chờ giải thể*. Ở Mỹ, đã có hơn 30 triệu lao động khai báo thất nghiệp trong vòng 6 tuần**. Số ca bệnh mới và số người tử vong cũng đang tăng theo từng ngày... Đó là những hậu quả nhãn tiền mà chúng ta nhìn thấy được. Còn về dài hạn, liệu sẽ ra sao nếu cuộc sống của chúng ta bị thay đổi mãi mãi, khi mà con virus này đang được tiên liệu sẽ tồn tại mãi mãi với con người trong một số nghiên cứu gần đây?

Còn những thay đổi về mặt tinh thần thì sao? Có lẽ đã đến lúc chúng ta phải thật nghiêm túc nhìn nhận những thay đổi mà virus Covid-19 đã, đang và sẽ gây ra cho cuộc sống này.

Có lẽ rồi những tập quán, thói quen lâu năm của con người sẽ dần phải bị thay thế hoặc bỏ đi. Gần đây, trong những cuộc họp đối tác, chúng ta không còn bắt tay để chào nhau nữa. Thay vào đó chỉ là cái cúi đầu hoặc vẫy tay tạm biệt. Những sự kiện thể thao, những chuyến du lịch tập thể... liệu có còn được duy trì tổ chức, khi mà cả Olympic Tokyo 2020 đã bị hoãn và có nguy cơ bị hủy ngay cả khi đã dời sang năm 2021. Những thứ tưởng chừng như quá đơn giản và quen thuộc, những điều dường như đã trở thành một tục lệ bỗng trở nên xa lạ. Liệu có còn tiếp diễn những xu hướng thế giới phẳng, toàn cầu hóa, hay những sự kiện mang tính chất toàn cầu?

Con người vốn là giống loài bầy đàn, hầu hết không dám sống một mình vì sợ cảm giác không an toàn. Đó là bản năng cố hữu từ thời nguyên thủy. Người Việt Nam còn có tính gắn kết cộng đồng, làng xã... rất cao.

Những buổi giỗ để con cháu tưởng nhớ tổ tiên, những buổi tụ họp tân gia, mừng thọ, Tết, rồi cả Giáng sinh ở các nước phương Tây... sẽ được tổ chức như thế nào? Xã hội sẽ ra sao khi những giá trị văn hóa truyền thống, vốn là một trong những yếu tố tạo nên quốc gia, dân tộc, bị biến mất?

Các trường học đã đóng cửa từ sau Tết Nguyên đán. Các em học sinh chuẩn bị được quay trở lại trường học nhưng chưa biết được hình thức nhà trường đảm bảo an toàn ra sao. Ngay cả lớp học Thạc sĩ tôi vừa trúng tuyển, nay cũng phải chuyển sang hình thức học online ở giai đoạn những môn đầu, vì ban giảng huấn đều đến từ châu Âu, không thể sang được Việt Nam với bất cứ hình thức nào. Sẽ có thay đổi nào cho hệ thống giáo dục?

Và chúng ta cũng phải tập làm quen với những lễ cưới, đám tang chỉ có chưa đến 20 người tham dự, đưa tiễn. Những cột mốc quan trọng trong cuộc đời như thôi nôi, tốt nghiệp... liệu có còn thật sự là dịp để được mọi người hân hoan chúc phúc, trao tặng những bó hoa tươi thắm? Hay tất cả sẽ chỉ còn là qua màn hình của các thiết bị điện tử?

Thật khó để trả lời được tất cả những thắc mắc tại thời điểm này!

Con người chỉ là những thực thể cực kỳ bé nhỏ của vũ trụ bao la. Covid-19 dạy cho con người bài học lớn về sự bất trắc trong cuộc sống. Không có gì có thể gọi là ổn định. Những thành quả ta tạo được chưa chắc đã có thể tồn tại mãi với thời gian. Nó tập cho con người hiểu rằng mọi thứ trong cuộc đời này đều có thể thay đổi vào bất kỳ lúc nào.

Thế giới rồi sẽ thôi xôn xao vì Covid-19, có thể vì nó sẽ bị tiêu diệt, hoặc cũng có thể do con người thiết lập được một trật tự mới để sống hòa hợp với nó. Con người dù bé nhỏ, nhưng lịch sử đã chứng minh rằng đây là một giống loài bền bỉ và dễ thích nghi nhất.

Tôi có chút lo ngại, nhưng cũng háo hức và tò mò với những diễn biến đang xảy ra trong xã hội. Không phải ai trong cuộc đời cũng có dịp được chứng kiến những sự kiện có tính chất lịch sử trọng đại như thế này.

Tôi nghĩ rằng bài học lớn nhất mà con người học được cho đến thời điểm này là: Không có gì là mãi mãi. Con người không thể biết trước được chuyện gì sẽ xảy ra ở tương lai. Vậy nên, hãy sống thật trọn vẹn với những phút giây hiện tại của chính mình! ''Bình thường'' hay không, do chính ở tâm mỗi người tự cảm nhận.

----------
Số liệu:
(*): Tổng cục Thống kê
(**): https://www.usatoday.com/story/money/2020/04/29/coronavirus-likely-lead-another-3-5-million-file-jobless-claims/3037057001/
Hình ảnh: Photo by Annie Spratt on Unsplash

No comments:

Post a Comment