Cho con làm quen với sách

đọc sách
Bingo được cùng đọc sách từ 3 tháng
Bingo được tiếp xúc với sách từ những ngày còn rất bé. Khi đó tôi áp dụng một phần thai giáo, mua những quyển thơ dễ hiểu (dù rằng tôi không thích thơ), khi nào rảnh lại lấy ra đọc ngâm nga. Tôi không thấy con có hứng thú lắm như những khi nghe nhạc, nên chỉ thực hiện một lần mỗi ngày. Khác với âm nhạc, mỗi lần biết trong bụng con đang thức là tôi lại mở lên, cu cậu đạp ầm ĩ ra chiều rất thích chí. Tuy nhiên, khi sinh con, những ngày ở cữ mệt mỏi đã làm thói quen đọc sách cho con bị gián đoạn.

Trước khi bước vào việc chi tiết tôi đã cho con làm quen với sách như thế nào trong những ngày đầu đời này, xin được chia sách của con thành hai nhóm:
  • Sách mẹ đọc con nghe: Là những quyển sách có cấp độ phức tạp cao hơn so với khả năng tiếp nhận của lứa tuổi. Tôi chọn đọc cho con những quyển sách thơ, truyện ngắn của các loài vật, để con tập làm quen với những từ ngữ và thế giới khác ngoài mẹ và bỉm sữa. Sách có khá ít hình so với mức độ yêu cầu của lứa tuổi.
  • Sách cho con “tự đọc”: Là những cuốn sách được khuyên dùng theo các nhà khoa học: nhiều màu sắc và hình ảnh, có khả năng tương tác, từ ngữ và cốt truyện đơn giản để con có thể tiếp cận với ngôn ngữ một cách sớm và đơn giản nhất.


SÁCH MẸ ĐỌC CON NGHE


Sau những ngày ở cữ, thật ra là những ngày mà con chưa chịu theo nếp sinh hoạt như mong muốn, khi con bước qua tháng thứ 3, tôi bắt đầu đọc sách cho con trở lại. Đó là những quyển sách mà theo khoa học là chưa phù hợp với lứa tuổi của con, vì chúng có ít hình, và rất nhiều chữ. Tôi nghĩ mình có quyền “thử và sai” nên đã thực hiện theo cách mà mình cảm nhận là phù hợp. Quyển sách đầu tiên tôi đọc cho con nằm trong bộ sách “Mẹ kể bé nghe”. Bà ngoại từng cho rằng rằng bé sẽ không thích, và chính tôi cũng có cảm giác nghi ngại. Nhưng không ngờ kết quả hoàn toàn ngược lại, cậu nhóc tỏ ra rất hứng thú với những câu chuyện mẹ kể. Mỗi câu chuyện dài tầm 5 phút, nhưng Bingo luôn tỏ ra rất hứng thú. Đôi mắt hau háu nhìn theo miệng mẹ. Miệng như đớp lấy từng lời, và chân tay thì huơ huơ rất hào hứng. 

Được đà, tôi duy trì đọc sách đều đặn cho con. May mắn là người trước đây sử dụng giọng nói để kiếm tiền, nên giọng đọc của tôi khi trầm khi bổng, thay đổi linh hoạt theo từng nhân vật, nên con càng tỏ ra thích thú hơn. Sách tôi chọn không màu sắc, nhưng ở đó có những từ ngữ có sự liên kết phức tạp thành câu và đoạn văn, chứ không đơn thuần chỉ là những từ như “con bò, con gà”. Tôi cứ đọc, dù không biết mức độ hiểu của con đạt được đến đâu.

Và tôi đã thấy được hiệu quả thật sự. Con bập bẹ “ma, bà, ba” khi hơn 8 tháng. Khi lên 10 tháng, con đã phát âm không phải tiếng một, mà là một từ có hai tiếng như “nghe nhạc, taxi”. 

Có thể nói, tôi đã thành công bước đầu với nhóm sách này.


SÁCH CHO CON "TỰ ĐỌC"


Tôi đố bạn trong lần đầu tiên mà có thể viết được cả một cuốn sách đấy! Việc gì cũng phải có lần đầu tiên và xây dựng kỹ năng dần dần đúng không? Chúng ta phải học từng chữ cái, ráp thành vần, thành câu và thành đoàn. Rồi sau đó dần nâng cao thành viết bài văn. Nếu có đủ năng khiếu và kiên nhẫn thì mới viết được sách. Tương tự vậy, ta không thể mong muốn con mình lần đầu phải đọc ngay một quyển sách dày cả ngàn trang. Phải từ từ thôi nhé!

Song song với nhóm sách đầu, tôi cũng cho con tiếp xúc những quyển sách đẹp, nhiều màu sắc hơn. Cuốn sách đầu tiên của con là sách về các loại quái vật đáng yêu. Sách rất ít trang, có mô hình nổi và đầy màu sắc. Sách bìa cứng nên tha hồ cho cu cậu ném, xé mà không hề rách.

Mỗi ngày tôi tăng dần cấp độ của sách lên, dày hơn, nhiều chữ hơn. Lúc bé còn nhỏ, tôi ưu tiên sách nhiều hình ảnh và trực quan sinh động, có công cụ tương tác như kéo ô hình tròn thì xe máy cày sẽ cày ruộng. Giờ cậu nhóc đã lớn, sách đã ít hình hơn rất nhiều, thậm chí là rất nhiều chữ như “Lũ trẻ đường tàu” chẳng hạn. Sách hình thì sẽ ở dạng phức tạp hơn, ví dụ như là hình ảnh cơ thể người với rất nhiều chú thích để dễ nhớ và dễ hiểu.

đọc sách
Quyển sách đầu tiên con "tự đọc" - đầy màu sắc và khả năng tương tác cao.

Sách là cả một thế giới lớn mà ta nên cho bé làm quen từ từ, không cần phải quá nóng vội. Bố mẹ hãy cùng con bước qua tuổi thơ đầy trải nghiệm và thật nhiều ký ức nhé.


No comments:

Post a Comment