Nếu bước ra thị trường sách, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp rất nhiều đầu sách theo các hướng: Dạy con kiểu Mỹ, Dạy con theo người Do Thái, Phương pháp Montessori… và muôn vàn những đầu sách khác cùng bàn luận về một phương pháp hay vấn đề giáo dục. Cũng như bạn, tôi đã từng ngẩn ngơ và rối bời trước việc không biết phải chọn lựa đâu là phương pháp phù hợp nhất nên áp dụng với con.
Sau khi cân bằng cuộc sống, tôi cảm nhận điều quan trọng nhất với một người không phải là có bao nhiêu tiền, học được những kiến thức nào… mà là sự an yên trong tâm hồn. Sức khỏe tinh thần là điều tối quan trọng trong việc duy trì một cuộc sống lành mạnh và sự phát triển đúng cho một đứa trẻ. Tức là tôi chọn việc xây dựng phần gốc, thay vì suy nghĩ hướng phát triển cho phần ngọn là những kỹ năng của trẻ.
Và từ hôm đó, tôi đổi hướng tìm kiếm. Thay vì tập trung vào những cuốn sách viết về phương pháp giáo dục, tôi nghiên cứu thông tin về tâm lý trẻ con. May mắn, tôi tìm được hai quyển sách thuộc hàng kinh điển: “Nói sao cho trẻ chịu nghe & nghe sao cho trẻ chịu nói” và “Nói sao cho trẻ chịu học ở nhà và ở trường”. Lúc này, con tôi 3 tuổi, vừa đủ độ chín để tôi áp dụng những điều học được từ hai quyển sách này.
------------------
NÓI SAO CHO TRẺ CHỊU NGHE & NGHE SAO CHO TRẺ CHỊU NÓI
Đây là một quyển sách hay dành cho những bậc phụ huynh đang phân vân về cách nuôi dạy con cái, từng bế tắc khi không thể chia sẻ cùng con… Sách được viết bởi Adele Faber và Elaine Mazlish - hai chuyên gia nổi tiến thế giới trong lĩnh vực giao tiếp giữa người lớn và trẻ em. Hai bà từng đạt được nhiều giải thưởng uy tín và tổ chức hàng ngàn hội thảo về gia đình ở nhiều nơi trên thế giới. Quyển sách này đã được dịch ra hơn 30 thứ tiếng, bản trên 3 triệu bản, và luôn nằm trong Top best seller do New York Times bình chọn.
Quyển sách không cho ta những phương pháp để con có đôi bàn tay khéo léo, óc quan sát tinh tế. “Nói sao cho trẻ chịu nghe & nghe sao cho trẻ chịu nói” chính là tập hợp những bí quyết giúp phụ huynh cải thiện mối quan hệ với con trẻ. Nó đi vào đời sống nội tâm của trẻ nhỏ, từ đó đưa ra những hướng dẫn phụ huynh giúp con cái xử lý cảm xúc của bản thân, khuyến khích sự hợp tác hay tính tự lập cho trẻ, lúc nào nên khen ngợi hay áp dụng hình phạt…
Adele Faber và Elaine Mazlish cũng là những bà mẹ và trải qua những tình huống khó khăn tương tự như những bậc phụ huynh khác. Vì vậy, những tình tiết trong sách là những tình huống mà chúng ta có thể gặp hằng ngày. Chúng ta hoàn toàn có thể tìm thấy chính mình trong đó, và áp dụng những bài học trong sách vào chính bản thân mình. Bài học được thể hiện ở dạng, câu chuyện, những mẩu tâm sự hay truyện tranh ngắn. Rất trực quan và dễ hiểu! Có những điều khi đọc lại bạn mới tự thốt lên: “Thôi rồi, mình sai mất rồi! Điều chỉnh ngay thôi!”. Ví dụ như thay vì nói: “Nếu ba mà bắt gặp con viết lên tường lần nữa là con sẽ bị tét đít liền,” hãy nói “tường không phải là chỗ để vẽ, giấy mới là nơi để vẽ” hoặc cách thừa nhận cảm xúc của trẻ, chỉ đơn giản bằng những câu ngắn như “Ồ, ừ” và đặt tên cho những cảm xúc đó. Tôi đã áp dụng và thật sự đã trở thành một người bạn của con, như những gì có thể thấy tôi thể hiện qua trang Facebook cá nhân. Bạn thấy đó, chỉ cần có phương pháp phù hợp, hiểu được tâm lý của con, thì việc nuôi dạy con không còn là vấn đề quá khó nữa.
Hai tác giả đã viết: “Chúng ta muốn tìm ra một cách sống không buộc tội, đổ thừa hay tố cáo lẫn nhau. Chúng ta muốn tìm ra cách bộc lộ sự giận dữ và tức giận của mình mà không gây thiệt hại hay đổ vỡ. Chúng ta muốn tìm ra cách tôn trọng những nhu cầu của con cái và tôn trọng nhu cầu của chính chúng ta. Chúng ta muốn tìm ra một cách dạy con cái biết sống yêu thương và có trách nhiệm.” Tôi nghĩ rằng không chỉ riêng tôi, mà cũng rất nhiều ông bố bà mẹ khác đang hướng đến đang hướng đến mục tiêu này.
------------------
NÓI SAO CHO TRẺ CHỊU HỌC Ở NHÀ VÀ Ở TRƯỜNG
Đây là bộ đôi hoàn hảo của quyển sách được review ở trên. Sách đạt giải “Ấn phẩm gia đình xuất sắc nhất” của tạp chí Child Magazine.
Khác với những sách cùng đề tài khác tập trung vào phát triển kỹ năng, quyển sách này cũng đi sâu vào vấn đề tâm lý của trẻ. Tất cả những hành động của trẻ đều có nguyên nhân: bướng bỉnh, không nghe lời, chống đối… Và việc chúng ta cần làm là tìm hiểu, lắng nghe những nguyên nhân ẩn sau hành động của chúng. Quyển sách sẽ giúp chúng ta làm được điều đó thông qua việc hướng dẫn chi tiết cách xử lý những cảm xúc cản trở việc học, kỹ năng kêu gọi trẻ hợp tác, khen ngợi trẻ vừa phải, làm thế nào để phê bình mà bé vẫn tiếp nhận, không bị tổn thương, gia đình và nhà trường nên phối hợp ra sao…
------------------
Đây là hai quyển sách đáng đọc. Tuy nhiên, lời dịch không được mượt mà lắm. Ngoài ra, ngữ cảnh câu chuyện không phải ở Việt Nam, nên bạn cần chọn lọc và điều chỉnh cho phù hợp nhất với mỗi gia đình và nên văn hóa.
Đây cũng là hai quyển sách dạy con tôi đọc từ trước đến nay. Ngoài ra tôi không mua thêm một quyển sách nào khác. Tôi đọc, nghiền ngẫm và nghiên cứu nhiều hơn những vấn đề tâm lý khác, từ đó có được cách nói chuyện phù hợp nhất với con, có cách xử lý những lúc con nóng giận hay tự ti… Tôi thật sự cảm nhận được sự hữu ích của hai quyển sách.
Đây cũng là hai quyển sách dạy con tôi đọc từ trước đến nay. Ngoài ra tôi không mua thêm một quyển sách nào khác. Tôi đọc, nghiền ngẫm và nghiên cứu nhiều hơn những vấn đề tâm lý khác, từ đó có được cách nói chuyện phù hợp nhất với con, có cách xử lý những lúc con nóng giận hay tự ti… Tôi thật sự cảm nhận được sự hữu ích của hai quyển sách.
Với tôi, nếu bạn không đủ thời gian thì chỉ cần đọc “Nói sao cho trẻ chịu nghe & nghe sao cho trẻ chịu nói” là đủ. “Nói sao cho trẻ chịu học ở nhà và ở trường” là phần phát triển cao hơn dựa trên nền tảng của cuốn sách trước.
Và hiện nay, tôi lại đang nghiền ngẫm “Nói sao cho trẻ chịu học ở nhà và ở trường” khi con đang ở giai đoạn đầu của những năm tiểu học. Việc áp dụng những kiến thức này lại tiếp tục mang đến cho tôi những hiệu quả như từ trước đến nay.
Mong rằng bạn cũng có những cảm nhận như tôi!
No comments:
Post a Comment