[Hành trình 4 cực 1 đỉnh] Cực Đông - Nơi đón ánh nắng đầu tiên của ngày mới

4 cực 1 đỉnh

Khi đã bước vào giai đoạn ổn định về mặt cuộc sống: Tạm ổn với công việc, con trai đã có thể tự lập đôi chút, tôi quyết định thực hiện những ước mơ vẫn còn dang dở. Việc đầu tiên: chinh phục 4 cực 1 đỉnh của đất nước.

Tôi đã bắt đầu hành trình với điểm cực Đông đất liền, nơi đầu tiên của mảnh đất hình chữ S đón ánh nắng đầu tiên của một ngày mới.

Hiện nay, nước ta tồn tại 2 cực Đông: 1 cực Đông tại Mũi Điện (mũi Đại Lãnh) được thừa nhận chính thức từ thời Pháp thuộc, nằm tại địa danh Mũi Điện, tỉnh Tuy Hòa; và một cực Đông thứ 2 được xác định nằm tại tọa độ 109 độ 27’55” kinh độ đông, tại mũi Hòn Đôi trên bán đảo Hòn Gốm, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Theo số liệu đo đạc, Mũi Đôi đón ánh bình minh trước 4 giây so với mũi Đại Lãnh. 
---------------------

CỰC ĐÔNG MŨI ĐIỆN (ĐẠI LÃNH) 


Tôi chọn Mũi Điện là điểm đến đầu tiên, chuyến đi vào dịp sau Tết năm 2016, như một khởi đầu nhẹ nhàng để làm quen lại với những chuyến trekking, với núi và rừng sau thời gian dài đằng đẵng không đi đến những nơi thế này. Sau đó, tôi chinh phục Mũi Đôi vào dịp sau Tết năm 2017.

Người tôi chọn đồng hành cho chuyến đi này: Dĩ nhiên là Bingo rồi. Cậu nhóc ngoan hăm hở theo mẹ trên mọi chặng đường mà không cần biết con đường đó như thế nào. Chỉ cần mẹ hê: “Tuần sau mình đi” là a lê gói gọn hành lý và lên đường. Ngoài ra, đồng hành cùng còn có 2 mẹ con người bạn cùng học một lớp ngoại khóa với Bingo.

Lần này tôi chọn việc dễ - book ngay một tour để không phải lo toan nơi ăn chốn ở, địa điểm tham quan. Xe khởi hành vào buổi chiều mùng 4 Tết, tầm khoảng 6 giờ. Đến khu vực biển Đại Lãnh (Khánh Hòa) vào khoảng 5 giờ 30 sáng ngày mùng 5. Cậu nhóc Bingo được mẹ đánh răng, rửa mặt sạch sẽ rồi vào bàn ăn cùng cả đoàn dùng bữa sáng. 

7 giờ 30, xe khởi hành đến những di tích nổi tiếng của Tuy Hòa: Vịnh Vũng Rô và cực Đông Đại Lãnh (Mũi Điện). 

Vịnh Vũng Rô là nơi nổi tiếng với di tích “con tàu không số”. Nơi đây biển xanh ngắt một màu và sóng chỉ rất khẽ chạm vào bờ. Vốn là con người phi chính trị, nhưng tôi vẫn dẫn con đi và giải thích ý nghĩa của địa điểm này. 

Khoảng nửa tiếng sau, đoàn khởi hành đi đến mũi cực Đông Đại Lãnh. Mục tiêu chính của chuyến đi đây rồi!

Xe dừng lại ở bãi giữ xe của dưới chân núi. Kia rồi, hải đăng Đại Lãnh đã xa xa trong tầm mắt. 

Từ chân núi, hai mẹ con cùng lần bước trên những bậc thang men theo triền núi để đến được mũi Đại Lãnh. Khá là an toàn vì có lan can bảo vệ. Con đường không quá khó khăn với tôi, người từ nhỏ đã thường xuyên được đắm mình giữa rừng núi. Nhưng so với Bingo, đây có thể là một trải nghiệm khá mới mẻ và khá khó khăn. Nó cũng là một đoạn đường khó với những ai quen áo xống, giày cao gót khi đi du lịch. Con đường hết những bậc thang thì tách thành hai ngã rẽ: một sang hải đăng Đại Lãnh và một đi về mũi cực Đông. Chúng tôi chọn cực Đông. 

Con đường bắt đầu gập ghềnh và hẹp hơn nhiều so với lúc trước. Bắt đầu bằng đoạn đường đầy sỏi. Rồi đá to dần theo mỗi bước chân. Có những đoạn đá rất to, bắt buộc tôi phải đưa Bingo lên trước, ngồi trên mỏm đá, tôi trèo lên rồi trèo xuống bên kia đỡ con xuống. Trời nóng, nắng chang chang trên đỉnh đầu. Đi một lát lại phải dừng tiếp nước. Đi tổng cộng khoảng ba mươi phút thì đến nơi. Thời gian không quá lâu, nhưng cũng đủ làm cho những người ít vận động, những quý cô điệu đà váy guốc phải kêu than.

Khi hai mẹ con đến được cực Đông Đại Lãnh thì mặt trời đã lên rất cao. Nắng chói chang, nhưng nhờ gió biển lồng lộng thổi mà cái nóng dường như tan biến. Tôi phóng tầm mắt ra phía xa để thấy xanh ngắt một màu của biển, một bên là vách đá dựng đứng sừng sững. Nhìn lên lên trên cao, ngọn hải đăng Đại Lãnh đang kiêu hãnh đứng, làm nhiệm vụ hằng ngày của mình với những loại tàu thuyền vẫn đi ngang nơi đây.

Tôi và con trai chụp tại đây một tấm ảnh lưu niệm. Cu cậu khá ấm ức vì không đủ thời gian để lên ngọn hải đăng như đã định ra ban đầu.

Chuyến đi này không quá phức tạp. Chỉ cần online và book một chuyến đi, nên tôi không chia sẻ nhiều về kinh nghiệm đi.

Và câu chuyện tham quan Phú Yên, tôi sẽ kể trong một bài viết khác nhé.

4 cực 1 đỉnh
Hải đăng Đại Lãnh nhìn từ phía cực Đông

4 cực 1 đỉnh
Cảnh đẹp ngoạn mục từ mũi Điện.

4 cực 1 đỉnh
Đường đến Mũi Điện hầu như là đá thế này.

4 cực 1 đỉnh
Cột mốc cực Đông đất liền
---------------------

CỰC ĐÔNG MŨI ĐÔI 


Tại vị trí này, một chóp inox đã được gắn vào ngày 4 tháng 8 năm 2012 để làm mốc điểm cực. Hành trình đến được Mũi Đôi cũng khó khăn và vất vả hơn nhiều so với mũi Đại Lãnh. Tuy vậy, đây vẫn là một địa điểm mà các bạn trẻ có máu phiêu lưu rất thích chinh phục. Tôi cùng một người bạn đã đến đây và dịp sau Tết 2016. Khi ấy trời rất mát mẻ, tránh được cái nóng oi ả thường thấy của dải đất miền Trung.

Chúng tôi đáp máy bay xuống sân bay Tuy Hòa vào khoảng 10 giờ sáng rồi nhanh chóng tìm một chiếc xe máy để vượt hơn 60 cây số để đến khu vực Đầm Môn. Đường đèo khúc khuỷu, cậu bạn phóng xe cứ vun vút, chen vào giữa những làn 4 bánh, làm tim tôi đánh trống liên hồi. 

Tầm 12 giờ trưa chúng tôi đến được khu vực Đầm Môn, gửi xe vào nhà nghỉ đã được hướng dẫn từ trước rồi bắt đầu chặng đường đầu tiên của mình: Di chuyển từ mặt đường cái đến nhà chú Hai - người sẽ là dẫn đường cho chúng tôi trong hành trình này.

Sau khi qua khỏi khu vực đường nhựa, chúng tôi bắt đầu đi vào khu vực đồi cát. Những đồi cát với độ dốc thoai thoải, không quá khó khăn. Thật may mắn khi chúng tôi chọn thời điểm đi là sau Tết, khi vùng đất này hãy còn rất mát mẻ. Nếu phải đến vào mùa hè và đi dưới cái nắng cháy da của đất miền Trung, thì việc qua đồi cát sẽ không mang đến cảm giác thoải mái ấy. Sau khoảng 30 phút đồi cát, chúng tôi lội qua một đầm nước trong khoảng 15 phút. Nước trong veo, mát lạnh. Sau đầm nước, lại là đồi cát. Lần này độ dốc cao hơn, nhưng khung cảnh cũng mở ra đẹp hơn. Tưởng chừng như đang ở một khu hoang mạc. Kết thúc đồi cát, chúng tôi di chuyển sang địa hình đường mòn trên núi. Một bên vách núi, một bên vực sâu, trước mặt là biển xanh văng vắt. Chúng tôi đi mãi hơn một giờ đồng hồ vẫn không thấy nơi chú Hai chỉ. Điện thoại lại còn mất sạch sóng. Đi một lát (là quá địa điểm chú hẹn rồi), linh tính bảo chúng tôi quay lại. Quả nhiên có một chiếc xe dựng ngay một con dốc sâu. Cảm giác là đúng nơi rồi. Bạn tôi cố chạy tìm chỗ có được tí sóng gọi cho chú. Đúng thật! Hai chị em lóp ngóp bám dây thừng leo xuống con dốc ấy. Mở ra trước mắt chúng tôi là một khu nhà đúng như kiểu “nơi ẩn dật” của các hiệp khách trong phim kiếm hiệp. Có từng cụm nhà, có cầu tre, mái lá. Sau nhà là cả một bãi biển trong veo và hoang vắng. Sơn thủy hữu tình đến nao lòng!

Ăn xong bữa trưa ngon lành với đầy đủ cơm, canh, món mặn, đồ xào, hai chị em nằm vắt vẻo trên võng đánh một giấc thật ngon. Giữa trưa mà gió lạnh phải mặc thêm áo. 3 giờ chiều, cả hai tỉnh giấc, đóng thêm đồ (tôm, trứng luộc, cơm vắt) và vài lít nước rồi bắt đầu hành trình cùng chú porter đã được phân công từ trước. Nói là porter, nhưng thật ra chú làm việc chính là dẫn đường, vì đồ đạc chú mang chỉ là lều và ít than, củi. Còn đồ ăn, thức uống thì chúng tôi đã chia sẻ để đỡ phần nặng nhọc cho chú.

Quay trở ra con đường trước khi xuống dốc, chúng tôi lại lên một con dốc khác. Đi khoảng nửa tiếng thì có một lối nhỏ rẽ vào rừng. Con đường trong rừng cũng là đường dốc, nhưng không quá cao. Rừng thưa, không quá khó khăn để đi. Có một đoạn suối nhỏ, nhưng lúc đi đã cạn nước và lầy lội. Khoảng hơn 1 tiếng rưỡi, chúng tôi ra khỏi rừng và mở ra trước mắt là bãi Rạng rộng mênh mang với rêu xanh, đá và cát trắng. Gió lạnh! Trời cũng sập tối nên chúng tôi nhanh chóng tìm một bãi bằng phẳng sau tảng đá lớn để tránh gió cho đỡ lạnh và nhóm được bếp lửa. Chú porter ra chỗ khác để cho chúng tôi thoải mái.

Hai chị em ngồi nướng và ăn hết mẻ tôm mà vẫn chỉ mới 7 giờ tối. Điện thoại thì mất sóng không mở được nhạc. Chỉ còn ít nhạc có sẵn vét trong máy bạn tôi. Cố giữ lửa để ấm và có cái ngồi nói chuyện với nhau. Cà kê mãi cũng chán, hai chị em vào lều làm một giấc tới sáng.

4 giờ sáng hôm sau, hai chị em được chú porter đánh thức để bắt đầu đi để kịp hành trình đón ánh mặt trời đầu tiên. Mọi vật dụng để tại chỗ, chúng tôi mang theo đèn pin. Trèo lên một con dốc cao với cây cối rậm rạp, chúng tôi soi đèn để tránh vấp ngã trên đường đi. Khoảng gần 30 phút, chúng tôi đến với đoạn gian nan nhất của chuyến đi: bãi đá. Đá ở đây là những tảng đá khổng lồ, cao hơn đầu mình. Bước đi phải thật sự cẩn thận, nếu không sẽ dễ trượt chân, té đập đầu, rớt xuống những khe đá sâu hơn… Khi trèo lên cao cũng phải bám thật chắc cả tay và chân để không bị trượt ngã. Thật sự nguy hiểm. Hơn 45 phút như vậy, chúng tôi chạm được đích đến: Mũi Đôi. Tảng đá cao sừng sững trước mặt là nơi chúng tôi cần phải vượt qua: trèo lên đó để chạm được cột mốc cực Đông.

Từ trên đỉnh tảng đá được thả xuống một sợi dây thừng có buộc nút ghế đơn để mỗi người leo vào và bám leo lên. Tuy vậy, để bắt đầu bám leo lên được sợi dây cũng khá khó khăn. Những phiến đá dẫn đến tảng đá to kia đầy rêu trơn trợt, sóng lại thường xuyên đánh vào. Phải bám chân thật chắc. Lên được dây rồi, lại nơm nớp lo lỡ dây đứt. Nhìn xuống bên dưới toàn đá là đá, và sóng thì cứ vỗ vào trắng xóa. Lỡ rớt xuống là tự đoán trước tương lai rồi. 

Vậy mà mọi lo sợ tan biến hết khi bước lên được mỏm đá ấy. Kia rồi, chóp inox cực Đông đây rồi. Lòng sung sướng không thể tả nổi. Gặp được một hội từ Hà Nội vào. Cả hội vui vẻ làm quen và chụp ảnh lưu niệm tại cột mốc này. 

Hơi tiếc ngày hôm đó mây mù, chưa kịp thấy nắng thì đã lất phất mưa. Vội vàng trèo xuống, kịp chụp được tí nắng ló ra từ đám mây đằng Đông thì mưa xuống. Mưa rất lớn. Chui nhanh vào một phiến đá để kịp tránh mưa. 

Lẽ ra, nếu thời tiết không đang ở tình trạng biển động. Chúng tôi đã có thể thuê một chiếc thuyền để đi ngược về điểm xuất phát.

Mưa tạnh. Đi về bãi Rạng dọn lều, đi ngược con đường cũ để trở về nhà chú Hai.

Xin bỏ qua những chi tiết về vé máy bay và những địa điểm tham quan khi ở Tuy Hòa, chuyến đi của tôi không thể suông sẻ nếu thiếu sự hỗ trợ của chú Hai. Dịch vụ thuê dẫn đường có giao dao động từ 300.000 - 500.000 đồng/đoàn. Giá đồ ăn từ 50.000 - 100.000 đồng tùy thuộc vào sự lựa chọn. Hải sản cũng tùy theo từng thời điểm. Nước chanh rất ngon giá chỉ 10.000 đồng/ly.

Chú Hai vui tính. Lớn tuổi rồi, 70, 80 tuổi gì rồi đó mà nước da vẫn căng bóng. Chú vui tính, da đen giòn đặc trưng của dân biển. Tính chú nhiệt tình, luôn hỗ trợ mọi người hết mình. Đến nơi không chỉ được chú tiếp, mà còn được đối xử như người nhà. Có nhiều người chọn cách tự đi thay vì nhờ chú, nhưng lỡ lạc thì chú vẫn hỗ trợ tìm kiếm. Có lẽ cái tình đó làm nhiều người lưu luyến, để lại rất nhiều vật lưu niệm. Rất nhiều người đi rồi vẫn thư từ, quà cáp về gửi chú như thể hiện sự yêu quý. 

Với tôi, chú là “ông Bụt” tốt tính giữa cuộc đời đầy tất bật. “Ông Bụt” cho tôi những điểm lặng đáng giá trong cuộc sống của mình.

Và chuyến chinh phục cực Đông Mũi Đôi kéo dài 2 ngày 1 đêm đã kết thúc theo cách riêng của mình như thế.

4 cực 1 đỉnh
Bắt đầu hành trình với việc vượt qua đồi cát và đầm nước. Nước trong veo, sâm sấp mắt cá chân và mát lạnh.

4 cực 1 đỉnh
Đường đến Mũi Đôi là con đường với nhiều loại địa hình thay đổi liên tục: đồi cát, đầm nước, biển, rừng, đá... Mỗi chặng đường trong hành trình đều mang đến những điều thú vị riêng.

4 cực 1 đỉnh
Sau khi qua rừng, chúng tôi chui qua bụi rậm, hốc đá tìm đường đến Bãi Rạng để hạ trại qua đêm. Với địa hình bằng phẳng và kín gió, Bãi Rạng rất thuận tiện cho việc nghỉ ngơi, lửa trại và trò chuyện thâu đêm.

4 cực 1 đỉnh
Giữa không gian gió biển rì rào, sóng vỗ, tôi may mắn ghi lại được hình ảnh mặt trăng tròn vành vạnh thế này.

4 cực 1 đỉnh
Khoảng 6 giờ mặt trời lên, ánh sáng chan hòa. Mọi người hân hoan chụp hình bên chóp inox đánh dấu mốc cực Đông.

4 cực 1 đỉnh
Cột mốc được đặt trên tảng đá nằm sát mép biển. Muốn chạm tay vào được bạn cần phải đu dây thừng, nhờ sự hỗ trợ để có thể leo lên được.

4 cực 1 đỉnh
Cánh rừng chúng tôi phải đi qua không rậm rạp. Rừng thưa, không nhiều bụi rậm. Khá dễ đi.

4 cực 1 đỉnh
Khung cảnh đôi khi cứ đóng lại, rồi mở ra với những bất ngờ dịu mát cả cặp mắt đang mờ đi vì đường xa thế này.

4 cực 1 đỉnh
Lưu lại chút hình ảnh cuối cùng trước khi rời mũi Đôi về lại với Đầm Môn, kết thúc chuyến đi.






No comments:

Post a Comment