Sống đơn giản


Thời gian gần đây, chúng ta nghe nói nhiều về phong cách sống tối giản (Danshari) của người Nhật.

Tìm hiểu đôi chút về phong cách sống này: Thay vì cố chất thật nhiều đồ đạc trong căn phòng bé tí, nhiều người Nhật đang tìm cách vứt bớt đồ đi để có không gian sống thoáng đãng nhất.

Làm thế nào để sống tối giản?

Francine Jay, một người thực hành chủ nghĩa tối giản và là tác giả quyển sách “Niềm vui ít đồ: Hướng dẫn phong cách tối giản để giam bừa bộn, giúp tổ chức, và đơn giản hóa cuộc sống” đã thu thập một số cách thực hiện Danshari trong cuộc sống hằng ngày như sau:

Dan - Từ chối: Phần này như công việc của một người gác cổng sao cho đồ đạc không đi vào nhà trong nhà, bằng các cách:
  • Giảm thiểu mua sắm 
  • Tìm các món quà thay thế thay vì đi mua quà 
  • Xóa bỏ thư rác 
  • Từ chối những món hàng miễn phí nếu thật sự không cần đến 
Sha - Vứt bỏ: Cách bỏ bớt những vật dụng không cần thiết ra khỏi cuộc sống:
  • Mỗi ngày loại bỏ ít nhất một đồ vật 
  • Giải phóng tủ quần áo 
  • Điều chỉnh lại dụng cụ bếp 
Ri - Tránh xa: Nuôi dưỡng cảm xúc “thờ ơ” với đồ vật
  • Nói lời tạm biệt với chúng 
  • Nâng niu quan điểm “vừa đủ” 
  • Trân trọng không gian hơn đồ vật 
---------------------

Với bản thân tôi, tôi nhận thấy những hạn chế của lối sống này như sau:

Cuộc sống của bạn dù đã từ chối nhưng vẫn bị đồ đạc chi phối: Tôi thấy như mọi người đang đi từ thái cực này sang thái cực khác: Từ chủ nghĩa tiêu dùng sang chủ nghĩa tối giản. Nếu ở chủ nghĩa tiêu dùng, con người nặng nề về mua sắm, tích trữ đồ đạc, tự bóp nghẹt cuộc sống của mình, thì ở chủ nghĩa tối giản, họ liạ bị ám ảnh với việc phải suy nghĩ mỗi ngày phải bỏ món đồ nào đi. Với mục đích của chủ nghĩa tối gian là giải phóng con người thoát khỏi yếu tố vật chất và những thứ không còn ý nghĩa để dành thời gian và năng lượng cho những việc ý nghĩa khác, thì xem ra đây không phải là kết quả mong muốn.

Có người bị cuốn vào việc đua tranh và so sánh xem ai là vứt được nhiều đồ hơn. Người thì chạy theo việc bỏ đồ cũ, mua đồ mới để có được phong cách nội thất đúng kiểu “tối giản”. Điều này có thể lý giải do họ đang giai đoạn bắt đầu làm quen với phong cách sống này, nên dễ dẫn đến trạng thái “thái quá”, mà thường cái gì “quá” cũng sẽ đều không hay.

Không biết sử dụng thời gian rỗi của mình vào việc gì: Nếu trước đây bạn dành thời gian vào việc mua sắm, chăm sóc nhà cửa, trang điểm, chọn quần áo… giữa một mớ đầy đồ đạc, thì nay mọi thứ đã tối giản. Trang điểm thay vì 30 phút thì có khi chỉ còn 10 phút. Mọi thứ trở nên nhanh gọn và vô tình ta lại dư ra nhiều thời gian hơn và không biết sử dụng vào việc gì. Đây có thể là mầm mống của nhiều vấn đề phát sinh như mê game, chat chit… hoặc những niềm vui không bổ ích khác.
---------------------

Và tôi chọn cho bản thân cách “sống đơn giản”:

Với đồ đạc trong phòng (vì tôi đang ở chung, nên giới hạn của mình chỉ trong khu vực phòng của mình thôi): Xem xét lại từng món đồ, từ quần áo, sách vở, mỹ phẩm… để xem món nào cần, món nào không. Nếu sau 1 tháng quay trở lại mà mình vẫn thấy nó là không cần thiết thì mình sẽ thẳng tay loại ra. Kết quả: Tôi vẫn có 2 sào chật kín quần áo, kệ sách vẫn đầy ăm ắp và mỹ phẩm với rất nhiều loại, ứng với từng bước chăm sóc da khác nhau. Nhưng tôi vui vì mình luôn sẵn sàng đồ đạc cho từng trường hợp làm việc và đối tượng gặp gỡ, đảm bảo không trở thành một người lạc lõng giữa xã hội này.

Với thời gian rảnh: Thay vì ít đồ đạc dẫn đến dư nhiều thời gian, tôi lại tận hưởng với thời gian vào việc phối quần áo cho phù hợp với từng thời điểm, chơi đùa với con, tập yoga (nhìn mình mặc đồ đẹp tập yoga cũng là một loại niềm vui), hay suy nghĩ cho những dự án mới…

Giải phóng suy nghĩ: Đây là mục đích cốt lõi của lối sống tối giản. Tôi không hoàn toàn tối giản, nhưng điều quan trọng nhất là được tự do suy nghĩ, không vướng bận vào việc mình có bao nhiêu món đồ, sắp đặt như vậy đã “tối giản” chưa… Tôi rõ ràng trong suy nghĩ về cách sống, về mục tiêu sống. Vậy là đủ!

Ngắm bình minh từ phòng thế này cũng là một loại niềm vui.

Vậy là tôi có thời gian ngồi nhâm nhi tách cafe, hay cùng con đùa vui trong khu vui chơi, hoặc thỉnh thoảng cùng cu cậu chạy quanh trên đồi trong chuyến du lịch, thay vì phải suy nghĩ nhiều về lối sống tối giản. Đơn giản từ chính suy nghĩ của mình. Đó là việc đầu tiên nên làm, phải không?

Thiết nghĩ việc cân bằng tư duy quan trọng hơn việc phải đeo bám cố hữu theo một phong cách sống. Không có một phong cách sống nào là hoàn hảo, bởi vì cuộc sống vốn dĩ đã không hoàn hảo. Mỗi người sẽ có cách riêng để cuộc sống của mình hoàn hảo.

No comments:

Post a Comment